![]() |
Xưởng đóng gói Cà gai leo SaDu - Sản phẩm đạt Ocop 4 sao năm 2020 |
Năm 2020, toàn huyện Chương Mỹ có 59 sản phẩm được đánh giá, phân hạng chương trình OCOP: trong đó 01 sản phẩm được phân hạng 5 sao; 47 sản phẩm phân hạng 4 sao; 11 sản phẩm được phân hạng 3 sao.
Nổi tiếng là địa phương sở hữu nhiều làng nghề, vùng sản xuất nông nghiệp lớn tại Hà Nội. Nhờ đó, huyện Chương Mỹ xác định khai thác tối đa tiềm năng sẵn có về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; đặc biệt là sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Hiện nay, Chương Mỹ có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xây dựng được thương hiệu, xác lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: rau an toàn Chúc Sơn, gạo hữu cơ Đông Phú, trà cà gai leo SADU, các sản phẩm từ mây tre đan, trứng gà Tiên Viên… được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.
Trong đó, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, một số nước Châu Âu. Đây chính là tiềm năng, nền tảng vững chắc để triển khai chương trình OCOP trên địa bàn toàn huyện.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh sở hữu 12 sản phẩm mây tre đan đạt Ocop 4 sao |
Là một trong những đơn vị có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, được thị trường nước ngoài đón nhận, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh chủ sở hữu Công ty TNHH Mây Tre Đan Việt Quang cho biết: “Ngay khi huyện có chủ trương triển khai chương trình OCOP, tôi đã tiên phong tham gia; bởi chương trình là hướng đi tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất, giúp sản phẩm địa phương thuận lợi trong tiếp cận, thâm nhập thị trường.”
Tuy nhiên, quá trình triển khai OCOP tại Chương Mỹ vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Mặc dù là huyện có nhiều làng nghề, nhưng một số nghề truyền thống (như mây tre đan,…) trên địa bàn huyện đang dần bị mai một do nhiều nguyên nhân tác động. Hiện nay, chỉ còn số ít nghệ nhân tâm huyết với nghề, số mẫu mã sản phẩm mang tính nghệ thuật ngày càng ít.
Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là các sản phẩm thô, thị trường tiêu thụ chỉ bó hẹp trong thành phố Hà Nội, số lượng sản phẩm chế biến sâu còn ít, khó có sản phẩm nông nghiệp tiềm năng 5 sao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công nghệ thời điểm này cũng là một thách thức lớn trước thực trạng dịch bệnh toàn cầu.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Cường – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ chia sẻ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm |
Chia sẻ với PV, Ông Nguyễn Văn Cường – P.Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Các sản phẩm nông sản OCOP được kết nối đầu ra với các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm, do đó không bị tồn đọng. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm về thủ công mỹ nghệ, việc xuất khẩu ra nước ngoài thời điểm này rất khó khăn. Huyện đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho người dân”.
Đồng thời, huyện cũng không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia và chương trình OCOP để gia tăng giá trị kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Định hướng giai đoạn 2021 – 2025, Chương Mỹ sẽ phấn đấu đánh giá, phân hạng cho 200 sản phẩm thuộc 5 nhóm ngành./.