Yếu tố tâm lý khiến giá lúa gạo giảm mạnh sau Tết? Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam Xuất khẩu gạo năm 2024 - Cơ hội song hành cùng thách thức |
Xuất khẩu gạo hiện nay đang đứng trước cơ hội lớn. |
Giá lúa, gạo trồi sụt liên tục
Giá lúa, gạo tăng liên tục khiến nông dân phấn khởi, với hy vọng lãi nhiều trong vụ lúa hiện đang thu hoạch. Thế nhưng, chỉ ngay sau Tết Nguyên đán 2024, giá lúa, gạo đã liên tục giảm mạnh.
Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo xuất khẩu ngày 26/12 đi ngang sau phiên giảm mạnh. Cụ thể, giá gạo 25% tấm xuất khẩu ở mức 584 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm ở mức 609 USD/tấn. Với mức giá trên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp hơn giá gạo của Thái Lan, Pakistan và mất vị trí cao nhất thế giới.
Mặc dù vậy, bước sang tuần mới, thị trường bắt đầu có những tín hiệu lạc quan hơn. cụ thể ngày 27/2, giá lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu tăng nhẹ, thị trường sôi động hơn.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu biến động trong suốt tuần vừa qua do các nguyên nhân như về thị trường, vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ 2 đã có sự thay đổi. Nếu như năm 2022 và 2023, Trung Quốc và Indonesia lần lượt chiếm giữ vị trí này thì bước sang tháng đầu năm 2024, Pháp vươn lên vị trí thứ 2 với sản lượng nhập khẩu tăng đột biến.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng 1 đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023. Giá bình quân đạt 1.040,2 USD/tấn, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.
“Với sự biến động này, bản thân doanh nghiệp cũng phải chờ đợi xem cơ cấu nhập khẩu gạo của các nước như thế nào? Hiện nay, gần như các nhà cung cầu (bao gồm cả nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà thu mua, nhà xay xát) đều có tâm lý nghe ngóng thị trường”, ông Thủy phân tích.
Bên cạnh đó, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa chống hạn chỉ còn 2 tuần nữa là thu hoạch hết. Nhưng nguồn cung giống lúa không chống hạn còn có thể kéo dài và thu hoạch sang cuối tháng 3/2024. Lúa vụ mùa Đông Xuân bao giờ cũng đi kèm với chất lượng tốt và sản lượng lớn. Bản thân các doanh nghiệp đều muốn mua gạo này để chuẩn bị cho các hợp đồng ký vào đầu năm. Đồng thời, có thể đặt ra khung giá được đánh giá như “bàn đạp” để có thể xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Do đó, doanh nghiệp mua bán gạo cầm chừng do vừa tác động của yếu tố thị trường, vừa để xây dựng nền tảng dài hơi trong năm nay.
Liên kết để phát triển
Theo các chuyên gia, giá lúa, gạo lên xuống tiếp tục tái diễn, cùng với đó là nhiều yếu tố khách quan của thị trường như giá cước tàu biển tăng 300% so với cuối năm 2023 do căng thẳng khu vực Biển Đỏ, tỷ giá biến động… đã và đang tác động trực tiếp tới việc kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bối cảnh này đặt cả doanh nghiệp và người trồng lúa phải tính toán lại để làm sao cùng có lãi bởi suy cho cùng, khi tham gia xuất khẩu thì “tất cả đều theo quy luật của thị trường”.
Từ kinh nghiệm 30 năm gắn bó với xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình đề xuất phải liên kết doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi. “Chính phủ có giải pháp, chính là đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công nông dân có lãi, doanh nghiệp có lãi”- ông Bình nói.
Liên quan vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân đề xuất: Để tham gia 1 triệu ha gạo, các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân.
Theo đó thành lập hoặc củng cố các hợp tác xã. Các hợp tác xã sẽ được huấn luyện trồng lúa theo giống nào, quy trình nào để nông dân làm theo. Các hợp tác xã sẽ sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp để có đầu ra ổn định.
Ngoài ra, GS Võ Tòng Xuân cho rằng cũng không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột. Thay vào đó, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để bán cho những người sản xuất làm bún, hủ tiếu…
Bên cạnh đó, cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. “Đây là đường dài bền vững để gạo của chúng ta đi xa”- GS Võ Tòng Xuân khẳng định.