Xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ tiếp đà khởi sắc Doanh nghiệp thu mua cầm chừng, giá gạo trong nước liên tục giảm mạnh Tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu sẽ tồi tệ hơn, cơ hội của Việt Nam? |
Đề án xác định yêu cầu tiên quyết: “chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. (Ảnh minh họa) |
Ngày 5/2 tại Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch Thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các Bộ, Ngành, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các tổ chức quốc tế.
Phát triển lúa gạo tích hợp đa giá trị
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho rằng, để triển khai đề án một cách hiệu quả, đồng bộ cần nhất quán về mục tiêu, đồng thuận trong hành động. “Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa – Vì người tiêu dùng – Vì môi trường xanh luôn là mối quan tâm xuyên suốt của đề án", ông Hoan nói.
Bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, theo ông Hoan, đề án còn hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hoá mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, đề án đặt mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng.
Đề án cũng hướng tới khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL. Đề án xác định yêu cầu tiên quyết “chuyên nghiệp hoá ngành hàng lúa gạo”, thông qua việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân; nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ nông dân trong vùng.
Nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường đã được áp dụng trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Nam, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL còn hạn chế như: Chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn; Chưa có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; Canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…
Do đó, ông Nam khẳng định, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề án nhằm định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Cuộc chơi lớn có nhiều thời cơ, thách thức
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang Chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Ảnh: VGP |
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng hôm nay bàn về hạt gạo với xu hướng mới, tư duy mới, cách làm mới trong bối cảnh thời đại mới. Phó thủ tướng lưu ý các bộ, ngành và các địa phương đây là cuộc chơi lớn, có nhiều thời cơ, thách thức khác nhau và sẽ bị tác động bởi thị trường.
Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thực hiện 10 từ: "hết lòng - tuân thủ - linh hoạt - hợp tác - kiểm soát".
"Hợp tác có thể là sự phối hợp giữa trung ương và địa phương hay các doanh nghiệp. Nếu các anh không hợp tác sẽ thất bại, còn nếu hợp tác tốt trong đề án sẽ tạo sức mạnh rất lớn. Xin mọi người hãy kiểm soát.
Tức là xem xét lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Trước mắt, tôi sẽ ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị để trình Thủ tướng", phó thủ tướng nói.
Còn ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời - tin tưởng đề án ra đời sẽ tạo động lực rất lớn cho ngành nông nghiệp.
"Đề án 1 triệu ha lúa này được xem là 'ánh sáng cuối đường hầm' cho chúng tôi. Vì ở đó, tôi đã nhìn thấy nó là hệ sinh thái cộng sinh, liên quan đến mọi thành phần từ nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước.
Đề án sẽ khắc phục yếu kém từ bài học của cánh đồng mẫu lớn vừa qua", ông Thòn nói.
"Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" sẽ được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, được triển khai theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 héc ta.
Giai đoạn 2 (2026-2030) xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 héc ta.
Mục tiêu của đề án là giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỉ đồng. Việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo trên 40%, trong đó tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%.