Có thể thấy mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa là một điển hình để thích ứng với biến đổi khi hậu, góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, năm 2019, toàn tỉnh có trên 18.000 ha nuôi tôm càng xanh, tăng 2,7% so với năm 2018. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện các Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau. Hình thức nuôi chủ yếu xen canh trong ruộng lúa, mương vườn và nuôi ghép các loài thủy sản khác, mật độ 1,5 con/m², năng suất trung bình 245kg/ha/năm, sản lượng nuôi đạt trên 4.500 tấn/năm, tăng 5,9% so với năm 2019. Nhu cầu tôm giống tôm càng xanh ước đạt 275 triệu con/năm…
Cà Mau được xem là “thủ phủ” nuôi tôm của cả nước |
Tỉnh có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm với các loại hình nuôi như: Thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm - lúa, tôm - rừng kết hợp. Trong đó, diện tích tôm - lúa khoảng 45.000ha, tôm - rừng khoảng 30.000ha. Các huyện vùng Bắc Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng là khu vực có tiềm năng sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Tuy nhiên, việc nuôi tôm càng xanh còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết; chưa chủ động được nguồn giống sản xuất tại chỗ, nhất là tôm càng xanh toàn đực; chưa có phương pháp thu hoạch và biện pháp bảo quản phù hợp; thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chưa có doanh nghiệp bao tiêu tôm càng xanh, chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chưa nhiều.
Nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa là một điển hình để thích ứng với biến đổi khi hậu, góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường. |
Do môi trường trồng lúa phù hợp cho tôm càng xanh phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, tôm chỉ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hoặc bổ sung một ít thức ăn chế biến, nên hiệu quả kinh tế khá cao. Sự kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra sản phẩm tôm, lúa sạch.
Việc cấy lúa trên đất nuôi tôm cải tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm nuôi và giảm mầm bệnh. Kết quả mô hình canh tác tôm - lúa kết hợp đã được người dân áp dụng và thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Vừa qua, Liên hiệp các hội Khoa học- Kỹ thuật tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức hội thảo phát triển tôm càng xanh xen canh trên diện tích lúa sạch, an toàn giải pháp nâng cao giá trị nông sản phẩm.
Tại hội nghị, các đại biểu trình bày các tham luận về nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao, chịu mặn thích ứng mô hình sản xuất lúa - tôm góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa; một số kết quả nghiên cứu về mô hình tôm lúa trên bán đảo Cà Mau; cải tiến kỷ thuật nuôi tôm càng xanh - lúa xen canh ở vùng nước lợ huyện Thới Bình; tình hình sản xuất cung ứng giống tôm càng xanh toàn đực; thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất lúa tôm hữu cơ trên địa bàn tỉnh; công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ góp phần phát triển mô hình tôm càng xanh trên diện tích lúa sạch, an toàn; giải pháp tìm đầu ra cho tôm càng xanh trong thời gian tới…
Thời gian tới, mục tiêu phát triển mô hình lúa - tôm càng xanh đến năm 2025 là: chuyển vùng sản xuất chuyên lúa kém hiệu quả sang lúa tôm, với diện tích trên 50.000ha theo hướng hữu cơ; diện tích nuôi tôm càng xanh xen lúa đạt ít nhất 40.000ha; tổng sản lượng ước đạt trên 15.000 tấn; phấn đấu diện tích được chứng nhận có thương hiệu sử dụng giống tôm sinh thái cho sản phẩm đạt chất lượng ít nhất 10.000ha; trong vùng sản xuất được chứng nhận phải được tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ.