Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn carbon. |
Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018-2019.
Báo cáo nêu rõ, tháng 10/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) có thư gửi Bộ NN-PTNT xác nhận Báo cáo kết quả GPT kỳ 1 vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, WB xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn carbon (CO2). Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký.
Với giá chuyển nhượng 5 USD/tấn C02, số tiền thu về ước khoảng trên 1.200 tỷ đồng.
Giữa tháng 12/2023, sau khi Bộ NN-PTNT ký văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2, WB có thư xác nhận chuyển giao lại khoảng 95% kết quả GPT đã chuyển nhượng cho Việt Nam để đóng góp vào quốc gia tự quyết định (NDC) theo cam kết đã ký.
Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018-2019.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đề xuất, cho phép chuyển nhượng 1 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới theo ERPA đã ký với giá 5 USD/tấn, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC.
Theo Bộ NN-PTNT, các bộ và địa phương đều đồng thuận phương án chuyển nhượng bổ sung lượng giảm phát thải cho WB. Song, Bộ Tài chính và một số địa phương đề nghị xem xét về mức giá chuyển nhượng hoặc xem xét phương án chuyển nhượng cho đối tác khác ngoài WB.
Về mức giá chuyển nhượng 5 USD/tấn CO2, Bộ NN-PTNT cho rằng, kết quả giảm phát thải chuyển nhượng cho WB là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018-2019), nên rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi, thương mại.
Số 4,91 triệu tấn CO2 còn lại, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đề nghị WB xem xét giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện tại ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thực hiện thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.
Trường hợp thực hiện theo phương thức thí điểm đấu giá, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN-PTNT xây dựng phương án thí điểm đấu giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai xanh
Tín chỉ carbon là một loại hàng hóa môi trường, biểu thị cho một lượng khí nhà kính được giảm phát thải hoặc hấp thụ bởi một dự án hay một hoạt động nào đó. Tín chỉ carbon có thể được bán và mua trên thị trường tự nguyện hoặc bắt buộc, tùy theo quy định của các cơ quan quản lý và các cam kết quốc tế. Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, đặc biệt là từ rừng, nông nghiệp và năng lượng. Theo một số nghiên cứu, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải cho các tổ chức quốc tế, với giá khoảng 5USD/tấn, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đây là một nguồn thu nhập mới cho người trồng rừng, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần vào mục tiêu giảm phát thải chung của nền kinh tế.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ là một trong những khu vực tiên phong phát triển tín chỉ carbon từ rừng. Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ là một bước đột phá trong việc hợp tác với Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp để bán 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024. Đây là một cơ hội để các tỉnh này nâng cao năng lực quản lý rừng, cải thiện đời sống cho người dân địa phương và thúc đẩy phát triển xanh.
Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng của tín chỉ carbon, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu hụt khung pháp lý, hệ thống giám sát báo cáo kiểm toán, cơ chế phân phối lợi ích, năng lực nhân sự và tài chính, cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu. Theo đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon do Bộ Tài chính dự thảo thì sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa với giá tín chỉ giao dịch tại châu Âu hay Mỹ. Do đó, cần có sự đồng thuận và hợp tác giữa các bên liên quan, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, để xây dựng và vận hành thị trường carbon hiệu quả, công bằng.
Như vậy, tín chỉ carbon thực sự là một dạng tài nguyên của rừng, có thể xem như chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai xanh, thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.