Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn cán đích hàng tỷ USD sau 10 tháng Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc và Trung Quốc tăng trưởng dương Sắp xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc |
10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 49,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022 |
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt gần 50 tỷ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 49,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương mức tăng 2,3 tỷ USD. Việt Nam nhập hàng hóa nguyên liệu từ Trung Quốc đạt 89,74 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều sau 10 tháng đạt 139,3 tỷ USD.
"Việt Nam đã thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 5%)", Báo cáo của Bộ Công thương đánh giá.
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu (số liệu 9 tháng) 3 là nhóm mặt hàng hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 10,8 tỷ USD, chiếm 25,4% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 12,1% chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Hàng rau quả tăng 160,3%; gạo tăng 55,2%; hạt điều tăng 42,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 76,8%; xăng dầu tăng 24,2%; than các loại tăng 160,8%.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, việc nước Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 đã mang lại kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may, gạo…
Phân tích một số mặt hàng triển vọng, Bộ Công thương cho biết, máy vi tính, điện thoại, linh kiện, dự báo nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể hồi phục, vì vậy xuất khẩu dự kiến tăng trưởng khả quan. Đối với hàng thủy sản, cá da trơn chiếm tỷ trọng trên 25% lượng thủy sản sang Trung Quốc. Riêng nhóm rau quả và gạo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong 2 tháng còn lại nhờ nhu cầu thị trường này tăng mạnh dịp cuối năm. Ước tính, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt gần 4 tỷ USD trong năm nay.
Mới nhất, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cùng 19 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện chương trình xúc tiến thương mại gạo tại Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững sang thị trường này. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%, nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD, tăng 6,63%, nhập siêu của Việt Nam 60,17 tỷ USD.
Còn theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA... Đáng chú ý Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 24,6 tỷ USD
Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng xuất nhập khẩu ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% (tương ứng giảm 59,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. |
Theo Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính), tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 10 năm 2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% (tương ứng tăng 1,62 tỷ USD) so với tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu tháng 10 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% (tương ứng tăng 823 triệu USD) so với tháng trước. Tổng xuất nhập khẩu tháng 10 ước đạt 61,61 tỷ USD, tăng 4,1% (tương ứng tăng 2,45 tỷ USD) so với tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng xuất nhập khẩu ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% (tương ứng giảm 59,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 24,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 10 tháng năm 2023 ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 22,22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu 10 tháng năm 2023 ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 37,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/10/2023 đạt 32.469 tỷ đồng, tăng 17,2% so với tháng trước. Lũy kế từ 1/01 - 31/10/2023 đạt 302.394 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm tích cực trong tháng 10 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước. Hàng hoá nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải các loại; thép các loại; xăng dầu các loại...
Bộ Công Thương cũng lưu ý, hiện nay, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam bởi các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU luôn yêu cầu cao và chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường.
Đơn cử, từ tháng 10/2023, EU đã áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Hoặc, tại Bắc Âu, các nước khu vực này đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn của người sử dụng. Trong thời gian tới, rất nhiều qui định mới sẽ được ra đời đều hướng tới hai mối quan tâm này, đặc biệt là Thỏa thuận Xanh châu Âu. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tìm hiểu, đánh giá tác động tiềm năng của các chính sách mới đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp.
Vì thế, với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ cần nguồn lực lớn về tài chính, nhân sự mà phải có kinh nghiệm và kỹ năng để ứng dụng thành công, đáp ứng theo đúng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.