Xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt xấp xỉ 8 triệu tấn Nhiều doanh nghiệp thua lỗ khi giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập đỉnh Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh, tiếp tục lập đỉnh mới |
Giá gạo Việt xuất khẩu cao nhất thế giới: Mừng và lo sau con số kỷ lục. |
Giá gạo tăng cao
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hôm 8/11, giá gạo 5% tấm của Việt Nam neo ở ngưỡng 653 USD/tấn, gạo Thái Lan ở mức 565 USD/tấn và Pakistan là 568 USD/tấn.
Với gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam có giá 643 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan và Pakistan lần lượt là 526 USD/tấn và 488 USD/tấn.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 2/11, giá gạo xuất khẩu của nước ta lập kỷ lục lịch sử mới khi vọt lên 663 USD/tấn với hàng 5% tấm và 648 USD/tấn với hàng 25% tấm.
Hiện, giá gạo Việt vượt xa so với hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 88 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 85 USD/tấn; gạo 25% tấm của nước ta giá cũng cao hơn hàng Thái Lan 117 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 155 USD/tấn.
So với các quốc gia xuất khẩu top đầu, gạo Việt Nam đang có giá đắt đỏ nhất thế giới.
Tại thị trường nội địa, theo cập nhật tuần mới nhất (26/10-2/11) từ VFA, giá lúa gạo tiếp đà tăng mạnh. Theo đó, giá lúa thường tại ruộng tăng lên mức 8.757 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 10.033 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 có giá 15.775 đồng/kg, gạo 5% tấm là 15.636 đồng/kg, loại 15% tấm giá 15.408 đồng/kg, loại 25% tấm cũng tăng lên mức 15.033 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, đây là mức giá cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo, đồng thời dự báo giá mặt hàng lương thực này sẽ còn tăng thêm khi nguồn cung không còn nhiều.
Doanh nghiệp thua lỗ, nguy cơ mất thị trường
Gạo của Lộc Trời lên đường xuất khẩu sang châu Âu. |
Xét về mặt logic, khi xuất khẩu tăng cao kỷ lục về khối lượng lẫn giá bán, thì doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này sẽ gặt hái được kết quả kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, trái ngược với thành tích đã đạt được, doanh nghiệp đang gánh chịu cảnh thua lỗ khá lớn.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm xuất nhập khẩu Miền Nam thừa nhận, đơn vị này đang gánh chịu khoản thua lỗ trong hoạt động kinh doanh gạo khoảng 6-7 tỉ đồng.
Lý giải của ông Kiệt cho biết, giá gạo tăng đột biến trong thời điểm gom hàng để trả những hợp đồng đã ký trước đó cho thị trường châu Phi và Philippines là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ. “Khi doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng mới, thì giá tiếp tục tăng đột biến, gây tác động lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông giải thích.
Theo dẫn chứng của ông Kiệt, gói thầu nhập khẩu 500.000 tấn của Indonesia hồi giữa tháng 10-2023, doanh nghiệp Việt Nam trúng 100.000 tấn với giá giao tại cảng của Indonsesia khoảng 625 đô la Mỹ/tấn, tức khoảng 600 đô la Mỹ/tấn khi quy ra giá FOB tại cảng TPHCM. “Tuy nhiên, giá thị trường hiện nay đã là 650 đô la Mỹ/tấn, tức doanh nghiệp xuất khẩu đang lỗ 50 đô la Mỹ/tấn”, ông cho biết.
Theo ông Kiệt, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khó khăn cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì tiến độ mua gạo bị chậm, trong khi giá liên tục tăng. “Nếu ngân hàng giải ngân sớm khi doanh nghiệp triển khai các hợp đồng đã ký, thì thuận lợi hơn”, ông nói và thông tin, nếu doanh nghiệp trả hợp đồng chậm, có thể bị phạt tàu (tàu nằm chờ) lên đến 500-600 triệu đồng mỗi ngày.
Để tránh tình trạng thua lỗ khi gạo liên tục sốt giá, một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nên “chủ động” trữ hàng vào kho trước khi ký hợp đồng, thay vì ký hợp đồng xuất khẩu rồi mới gom gạo giao cho đối tác như cách làm hiện nay.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông (ORICO) cho biết, xét về khía cạnh giá, không một chuyên gia hay doanh nghiệp nào dám dự đoán. “Các doanh nghiệp như chúng tôi ai cũng mong muốn biết (biết về giá)”, ông nói.
Theo ông Việt Anh, giá ở thời điểm hiện nay là quá cao, tiềm ẩn rủi ro rất lớn. “Doanh nghiệp hiện giờ không dám trữ hàng (trữ hàng trước ký hợp đồng bán sau- PV) vì khi Ấn Độ quay lại (ý nói Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo) giá sẽ lao dốc rất nhanh, tức doanh nghiệp tiếp tục chịu lỗ”, ông cho biết và dự đoán, có khả năng vào tháng 3 hoặc tháng 5 năm sau Ấn Độ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Việc giá gạo của Việt Nam “neo” cao hơn đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan, Pakistan…, có khả năng dẫn đến nguy cơ mất hợp đồng xuất khẩu.
“Nhìn trong ngắn hạn đã ảnh hưởng rồi”, ông Việt Anh nói và dẫn chứng, các hợp đồng thời điểm hiện tại, khách hàng đang chuyển qua mua gạo của Thái Lan vì giá Việt Nam cao hơn khoảng 100 đô la Mỹ/tấn.
Với thị trường Indonesia, 3-4 thầu gần đây, doanh nghiệp không chào bán vì không mua được gạo để bán, theo ông Việt Anh.
Còn nhìn sang tương lai của năm 2024, ông Việt Anh dự đoán, mặt bằng giá xuất khẩu giữa Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh có khả năng sẽ được thu hẹp về mức độ chênh lệch so với hiện nay. “Nếu kéo dài quá (kéo dài mức độ chênh lệch giá bán) thì chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường rất lớn”, ông cho biết.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - lại nhìn nhận, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế. Vì khi đó, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn với chất lượng tương đương. Đơn cử gạo Thái Lan, chất lượng gạo cũng như vậy nhưng giá đang thấp hơn gạo Việt. Từ đó, dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (DT8, OM 5451... ).
Ví như các gói thầu của Bulog (Indonesia), doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao, và loại Bulog gọi thầu là gạo 5% tấm đang khan hiếm.
Theo ông Nam, giá gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp ngành hàng này gặp không ít khó khăn vì thói quen ký hợp đồng xuất khẩu với thời gian giao hàng xa từ 1-3 tháng. Nay, giá gạo tăng cao, doanh nghiệp vẫn phải gom mua để trả đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp tiềm lực yếu phải hủy hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cũng thừa nhận rủi ro khi giá gạo ở nước ta quá cao. Bởi, với một số thị trường, ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng chỉ ở một mức nhất định. Khi giá quá cao, họ buộc phải tìm đến nguồn hàng khác có chất lượng tương đương nhưng giá thấp hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt rất dễ mất những thị trường này.
Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội cho gạo Việt tăng tốc |
Kim ngạch xuất khẩu gạo thiết lập kỷ lục mới |
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây |