Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng tốc ngay tháng đầu năm, đạt 1,5 tỷ USD |
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8% so với tháng 12/2021 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 73% tổng kim ngạch.
Mặc dù trong tháng 1/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên Đán, nhưng giá trị xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh.
Trong tháng 1/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường chính đều tăng, trong đó dẫn đầu là thị trường Mỹ với 928 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 16%; Trung Quốc đạt 134 triệu USD, tăng 27%.
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu |
Năm 2022 nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường tái khởi động, thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng đang tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA, đồng thời chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm.
Mục tiêu Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đề ra cho năm 2022: Phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7 % so với 2021.
Cụ thể: sản phẩm gỗ 11,47 tỷ USD, tăng 5,7%; gỗ các loại 3,84 tỷ USD, tăng 5,5 %; lâm sản ngoài gỗ là 1,19 tỷ USD, tăng 7,7%.
Các thị trường: Hoa Kỳ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 6,8%; Nhật bản 1,5 tỷ USD, tăng 2,1%; Trung Quốc 1,6 tỷ USD, tăng 7,4%; 1,1 tỷ USD, tăng 4,5 %; Hàn Quốc 0,9 tỷ USD, tăng 1,8 %; các thị trường còn lại 1,7 tỷ USD, tăng 4,1%.
Năm 2022, phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên |
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Ngành gỗ là một trong 5 ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng đối mặt với thách thức không nhỏ từ nguồn cung nguyên liệu.
Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian gần đây. Giá gỗ nhập khẩu tăng (cùng với các loại chi phí đầu vào sản xuất khác) làm tăng giá thành sản xuất. Hiện, giá gỗ nhập khẩu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khan hiếm về container làm chậm thời gian giao hàng.
"Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong ngành hiện đối mặt với khó khăn như thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu, giảm lợi nhuận, chậm thời gian giao hàng. Theo một số doanh nghiệp, có thể sẽ thiếu hụt một số loại gỗ nhập khẩu trong quý I/2022", ông Phúc cho biết.
Ngoài ra, Forest Trends thống kê mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 6 triệu m3 gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến làm hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó, lượng gỗ ít rủi ro chiếm tỷ trọng khoảng 2/3 trong tổng lượng nhập khẩu, phần còn lại là gỗ rủi ro.
Do vậy, đại diện Forest Trends cho rằng cần có các cơ chế chặt chẽ, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 102/2020/NĐ-CP, đặc biệt trong khâu kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu.
Thực hiện nghiêm túc tinh thần của Nghị định 102/2020/NĐ-CP cũng như trực tiếp góp phần hiện thực hóa các cam kết về gỗ hợp pháp trong Hiệp định VPA/FLEGT cũng như trong Hiệp định mà Chính phủ Việt Nam vừa ký với Chính phủ Mỹ vào tháng 10/2021 một cách hiệu quả.
Điều này không những giúp ngành gỗ giảm được rủi ro trong khâu xuất khẩu mà còn góp phần mở rộng thị trường tại các thị trường lớn như Mỹ và các nước EU trong tương lai.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ là 14,72 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ là 1,15 tỷ USD. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt khoảng 2,93 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. |