Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt 3,3 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hà Lan lại ở mức tăng trưởng khá tốt, đạt 70 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cần tận dụng EVFTA nhiều hơn |
Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chính mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hà Lan trong 8 tháng đầu năm 2021, đạt hơn 57 triệu USD, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 85,7% tỉ trọng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hà Lan.
Cùng với đó, gỗ ván và ván sàn, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương xuất khẩu tới thị trường Hà Lan tăng rất mạnh trong 8 tháng đầu năm 2021, trong khi đó cửa gỗ xuất khẩu sang thị trường này lại giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Lan nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đa phần ở thị trường nội khối chiếm đến 72,8%. Đối với nhập khẩu thị trường ngoại khối, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 4 cho Hà Lan chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Hiện nay, Indonesia đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong việc xuất khẩu gỗ vào thị trường EU và Hà Lan nói riêng. Indonesia đang thực hiện phương châm thay đổi về giá trị và cái tiến về hệ thống khiến cho mức giá rẻ hơn so với các đối thủ khác.
Tuy nhiên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU (ký kết vào ngày 19/10/2018) sẽ giúp các sản phẩm gỗ xuất khẩu trực tiếp vào 27 nước châu Âu, mà không cần phải qua một nước trung gian nào.
Hiện đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường Trung Quốc và Ấn độ đang được Hà Lan đẩy mạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam lại có lợi thế hơn hẳn khi đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA). Theo đó về thuế suất các sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc và Ấn Độ tại thị trường Hà Lan.
Những năm gần đây, Hà Lan luôn đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại EU bởi vì đây là thị trường cửa ngõ và là một trong những trung tâm chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hà Lan không chỉ phục vụ cho tiêu thụ nội địa của thị trường này mà còn được tái xuất khẩu sang các nước trong khối EU.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tận dụng các lợi thế từ Hiệp định vẫn chưa hiệu quả, nên các sản phẩm nội thất của Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp tại thị trường Hà Lan và chưa có nhiều bứt phá tại thị trường này.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn về các lợi thế mà Hiệp định VPA/FLEGT cũng như EVFTA mang lại để chiếm tỷ trọng cao hơn tại thị trường Hà Lan cũng như các nước trong khối EU.