Giá gạo Việt Nam bị tác động không đáng kể Thêm thách thức đối với gạo Việt Sau cú “quay xe”, Indonesia bất ngờ mời thầu 500.000 tấn gạo |
Cơ hội nào cho xuất khẩu gạo những tháng cuối năm? |
Lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường
Sau khi Ấn Độ bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo và làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường, tỷ lệ xuất khẩu gạo đã giảm tại các trung tâm lớn của châu Á.
Tỷ lệ xuất khẩu gạo đã giảm tại các trung tâm lớn của châu Á trong tuần này sau khi Ấn Độ bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với mặt hàng chủ lực này và làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường.
Giá giá gạo tại Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu hàng đầu và tại Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm.
Ấn Độ đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ vào cuối ngày 22/10 và loại bỏ giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn đối với gạo trắng phi basmati vào ngày 23/10 để thúc đẩy xuất khẩu.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 450-484 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 460 USD-490 USD/tấn.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kolkata cho biết “giá các loại gạo ở Ấn Độ giảm mạnh sau khi chính phủ dỡ bỏ thuế xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu. Nhu cầu tốt trong tuần này.”
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 532 USD/tấn vào ngày 24/10, giảm so với mức 537 USD/tấn một tuần trước. Giá tuần này đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023.
Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết “giá gạo Việt Nam giảm do giá cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác."
Theo thương nhân này, quyết định của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) hôm 23/10 về việc hủy đấu thầu thu mua gạo cũng đã có tác động bất lợi đến giá cả.”
Gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 510 USD/tấn từ mức 525 USD vào tuần trước, sau quyết định của Ấn Độ.
Trong khi đó, Bangladesh đã giảm 37% thuế nhập khẩu gạo sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng trị giá gần 1,1 triệu tấn gạo.
Bộ Tài chính Bangladesh hồi đầu tuần thông báo, thuế hải quan đối với gạo đã giảm từ 25% xuống 15%, trong khi thuế quản lý cũng giảm từ 25% xuống 5%.
Ngoài ra, Bangladesh cũng đã bãi bỏ mức thuế tạm ứng 5% hiện hành đối với nhập khẩu gạo.
Bám sát các thông tin để tìm thị trường ngách
Các bạn hàng vẫn sẽ tìm đến hạt gạo Việt Nam. |
Chính phủ Ấn Độ đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu với gạo trắng thường. Quyết định này ngay lập tức làm tăng nguồn cung gạo cho thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu gạo trắng trở lại và chịu sức ép cạnh tranh từ Thái Lan nhưng gạo Việt Nam hiện nay đã có thị phần, giá trị, chất lượng tương đối ổn định trên thị trường thế giới nên không bị ảnh hưởng nhiều.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định: Việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.
Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết: "Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước, bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao".
Để đối phó với tình hình này, các hiệp hội sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đồng thời tăng cường việc sản xuất gạo chất lượng cao và gạo có tính đặc thù, như gạo thơm. Điều này không chỉ giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm mà còn hạn chế khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp từ giá gạo của Ấn Độ.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu riêng cho gạo Việt Nam là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng gạo, từ đó tăng sức cạnh tranh với các đối thủ. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) để tăng giá trị cho gạo Việt.
Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng gạo xuất khẩu. Mục tiêu là phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước khi mở rộng xuất khẩu. Khi đã đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước, việc đẩy mạnh xuất khẩu là điều cần thiết.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu gạo cuối năm, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho hay, xuất khẩu gạo vẫn sẽ là điểm sáng của kinh tế. Do đó, doanh nghiệp phải bám sát các thông tin về diễn biến của thị trường, sự thay đổi của người tiêu dùng để tìm các thị trường ngách.
“Với vị thế của mình, tôi tin rằng các bạn hàng vẫn sẽ tìm đến hạt gạo Việt Nam”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nói.
Các chuyên gia nhận định, giá gạo trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm, gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam cũng sẽ giảm theo nhưng không dưới 500 USD/tấn do áp lực nguồn cung từ Ấn Độ. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu của nước ta đang ở mức cao và nhu cầu nội địa cũng được kỳ vọng sẽ tăng cao khi dịp Tết Nguyên đán, giá gạo nước ta có thể sẽ hồi phục trở lại trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.
Việc Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu rõ ràng sẽ gia tăng sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng có thể chỉ ở mức độ gián tiếp vì hai nước có các khách hàng nhập khẩu truyền thống khác biệt. Thị trường chính của gạo Việt Nam được xuất sang Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á như: Philippines, Malaysia và Indonesia, nhờ lợi thế địa lý thuận lợi trong khu vực ASEAN.
Xuất khẩu gạo mang về hơn 4 tỷ USD |
Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, giá gạo Việt có bị ảnh hưởng? |
Tác động của việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với Việt Nam |