Nguồn cung thắt chặt, giá gạo xuất khẩu “chạm đỉnh” trong 3 tháng Indonesia muốn nhập thêm 900.000 tấn gạo trong 4 tháng cuối năm Bối cảnh thị trường đang mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt |
Tác động của việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với Việt Nam. |
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng
Từ ngày 28/9 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lượng hàng tồn kho tại Ấn Độ đang tăng cao và nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp tăng nguồn cung trên thị trường toàn cầu và giảm áp lực về giá, sau khi giá lúa gạo tại châu Á chạm mốc cao kỷ lục hồi đầu năm nay.
Tham tán Bùi Trung Thướng cho rằng việc Bộ Công thương Ấn Độ ngày 28/9 ban hành lệnh dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với loại gạo thường phi basmati đồng thời quy định giá xuất khẩu tối thiểu đối với mặt hàng này là 490USD/tấn là không quá bất ngờ. Theo ông, trong thời gian gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã xem xét tổng thể lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati, vốn được ban hành ngày 20/7/2023. Đặc biệt, dưới sức ép của các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh mới dỡ bỏ lệnh cũ nói trên.
Ông Bùi Trung Thướng cho rằng, quyết định mới sẽ có tác động đáng kể đối với thị trường gạo trên thế giới vì Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm tới 40-42% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Điều này được thể hiện trong thời gian Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati hồi tháng 7/2023 khiến giá gạo trên toàn thế giới tăng mạnh.
Theo Tham tán Bùi Trung Thướng, có những lý do sau dẫn tới việc Chính phủ Ấn Độ đưa ra quyết định trên. Thứ nhất là tăng diện tích gieo cấy.
Lúa được trồng trong cả 3 vụ mùa ở Ấn Độ, nhưng phần lớn được trồng trong mùa Kharif. Với mùa mưa thuận lợi, nông dân đã trồng nhiều lúa hơn so với năm ngoái. Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, diện tích trồng lúa tính đến ngày 20/9/2024 là 41,35 triệu ha, tăng 2,2% so với mức 40,45 triệu ha của năm ngoái và tăng 3% so với diện tích trung bình (40,15 triệu ha từ năm 2018 - 2019 đến 2022 - 2023).
Thứ hai là do sản lượng cao kỷ lục. Theo thông báo ngày 25/9 của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, tổng sản lượng gạo của Ấn Độ (bao gồm cả gạo vụ mùa kharif, rabi và mùa Hè) ước đạt 137,82 triệu tấn trong năm 2023 - 2024, tăng 1,5% so với năm trước, nhờ sản lượng vụ mùa kharif (Hè Thu từ tháng 6 - 10) tăng lên 113,26 triệu tấn từ 110,51 triệu tấn năm 2022 - 2023.
Thứ ba là giá bán buôn giảm và lạm phát bán lẻ ổn định. Theo dữ liệu của Cổng thông tin thống kê nông nghiệp thống nhất (UPAg) của Trung ương, giá gạo bán buôn được ghi nhận là 3.324,99Rs (40USD)/tạ vào ngày 27/9, thấp hơn so với mức 3.597,09Rs (43USD)/tạ một tuần trước đó và 3.502,91Rs (42USD)/tạ một tháng trước đó.
Tuy nhiên, lạm phát bán lẻ dựa trên Chỉ số giá tiêu dùng đối với gạo đã ở mức hai chữ số trong hai năm qua, đạt đỉnh 13,09% vào tháng 7/2023.
Thứ tư là do dự trữ thặng dư. Dữ liệu của Tập đoàn Lương thực Ấn Độ (FCI) cho thấy dự trữ gạo trong kho Trung ương là 32,31 triệu tấn vào ngày 1/9. Nếu tính cả lúa chưa xay, tổng dự trữ gạo đạt 42,3 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức dự trữ bắt buộc.
Gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn
Áp lực về giá sẽ là một yếu tố đáng lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. |
"Giá gạo của Ấn Độ thường thấp hơn so với gạo Việt Nam, do đó áp lực về giá sẽ là một yếu tố đáng lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta" - ông Bùi Trung Thướng đánh giá.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng áp dụng mức giá sàn xuất khẩu 490 USD/tấn, điều này có thể giúp Việt Nam không bị cạnh tranh giá quá rẻ, nhưng cũng tạo ra một ngưỡng mới mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi định giá.
Theo đó, Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam thay vì cạnh tranh về giá, nên tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, bao gồm cả việc tăng cường quy trình sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, và gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.
"Những sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trên toàn thế giới về sức khỏe và an toàn thực phẩm, và cũng giúp tăng giá trị xuất khẩu" - ông Thướng lưu ý.
Cùng với đó, doanh nghiệp đa dạng thị trường bằng cách thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như châu Phi hay châu Á, các doanh nghiệp cần tìm cách mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Trung Đông và Mỹ.
Với việc Ấn Độ quay lại, các thị trường dễ tính sẽ trở nên cạnh tranh hơn, nên việc đa dạng hóa sẽ giúp giảm rủi ro.
Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng cũng cho rằng thị trường lúa gạo toàn cầu thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ điều chỉnh chính sách.
Sự trở lại ấn tượng của gạo Việt Nam |
Người Thái ngày càng mê gạo Việt Nam |
Gạo Việt lại được "trao" cơ hội lớn |