Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo: Gia tăng cơ hội cho gạo Việt Nam Gạo “nhái” Ông Cua được bán công khai trên Shopee Giá gạo Việt Nam trở lại đỉnh sau 6 tháng mất “ngôi vương” |
Giá gạo xuất khẩu chạm mức cao nhất trong gần ba tháng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 578 USD/tấn vào ngày 22/8, tăng so với mức 570 USD/tấn một tuần trước đó.
Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo hàng đầu ở châu Á đồng loạt tăng trong tuần này. Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ ở mức từ 540 - 545 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 536 - 540 USD/tấn của tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Mumbai cho rằng nguồn cung từ vụ trước đã gần hết. Các nhà xuất khẩu gạo đang điều chỉnh trước mức giá hỗ trợ trong vụ mới, trong khi nhu cầu từ gần như các thị trường đều thấp.
Giá gạo xuất khẩu chạm mức cao nhất trong gần ba tháng. (Ảnh minh họa) |
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết hầu hết người mua là các khách bình thường và các thỏa thuận có giá trị không lớn.
Giá gạo tại Bangladesh vẫn cao và có thể tiếp tục tăng khi lũ lụt ở phía Đông Bắc nước này có thể ảnh hưởng đến mùa màng và làm gián đoạn nguồn cung.
Tại thị trường trong nước, giá một số loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có sự tăng nhẹ.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhiều loại lúa tăng 100-200 đồng/kg so với tuần trước như Đài thơm 8 có giá từ 8.400-8.600 đồng/kg, OM 5451 từ 8.200-8.400 đồng/kg, OM 18 từ 8.600-8.800 đồng/kg...
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…
Khoảng 2 tuần nay, giá lúa tươi đầu vụ Hè Thu tại tỉnh Trà Vinh đã tăng thêm từ 500 - 900 đồng/kg. Hầu hết nông dân trồng lúa ở tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá.
Vụ Hè Thu này, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân Trà Vinh sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu như: OM 5451, OM 4.900, Đài Thơm 8, ST 25 cho năng suất cao, được thương lái ưa chuộng thu mua.
Tại thị trường trong nước, giá một số loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có sự tăng nhẹ. (Ảnh minh họa) |
Tại Sóc Trăng, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu sớm nông dân ở các vùng trũng thấp như, thị xã Ngã Năm, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Tú đã gieo sạ vụ lúa Thu Đông bất chấp khuyến cáo ngành chức năng. Theo ngành chức năng, hiện nay nếu gieo sạ Thu Đông thì thời vụ thu hoạch sẽ rơi vào thời điểm thời tiết mưa nhiều, nguy cơ ngập úng và thất thoát trong sản xuất là khó tránh khỏi. Nguyên nhân bởi, năm nay giá lúa tăng cao từ 1.000 - 1.200 đồng/kg so với năm trước.
Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Thu Đông có thời gian gieo trồng từ tháng 7-10, rơi vào cao điểm mùa mưa bão trong năm nên năng suất thường không cao; do đó, những năm gần đây tỉnh Sóc Trăng không có kế hoạch cho sản xuất vụ Thu Đông.
Cũng theo ông Phương, hiện nông dân ở các khu vực vùng trũng thấp của tỉnh đã gieo sạ trên 3.300ha lúa Thu Đông, tăng trên 1.700ha so với cùng kỳ năm trước,Về xuất khẩu, giá gạo Việt Nam chạm mức cao nhất trong gần ba tháng, khi nguồn cung thắt chặt, dù nhu cầu thấp đã hạn chế đà tăng giá.
Thêm cơ hội cho gạo Việt
Theo thông báo mời thầu mới nhất từ Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog), nước này có nhu cầu tăng lượng gạo nhập khẩu trong tháng 8 thêm 30.000 tấn so với tháng trước, lên 350.000 tấn. Thông báo mời thầu nêu rõ, Indonesia mời thầu 350.000 tấn gạo trắng 5% tấm được sản xuất trong năm 2024. Các nguồn cung gạo mà Indonesia mong muốn là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Pakistan.
Nửa đầu năm 2024, trung bình mỗi tháng Indonesia mời thầu khoảng 300.000 tấn gạo. Từ tháng 7, Bulog đã tăng lượng mời thầu thêm 20.000 tấn lên 320.000 tấn. Tuy nhiên kết quả mở thầu không được như mong muốn, nước này chỉ mua được khoảng trên 200.000 tấn. Do đó, trong đợt mời thầu tháng 8 Bulog tăng sản lượng mua vào lên đến 350.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Trong đợt mở thầu tháng 7 vừa qua của Bulog, các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhiều nhất với 7/12 lô, đạt 185.000 tấn, mức giá trúng thầu là 563 USD/tấn. Các lô còn lại Indonesia mua gạo có nguồn gốc từ Myanmar. Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan hầu như không mặn mà với thị trường Indonesia khi có ít doanh nghiệp tham gia đấu thầu và giá chào thầu cao hơn Việt Nam trên 20 USD/tấn, doanh nghiệp Pakistan đưa giá chào thầu lên tới 592 USD/tấn.
Năm 2024, Chính phủ Indonesia dự kiến phải nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu năm nhập khẩu thuận lợi với mỗi tháng mua được khoảng 300.000 tấn đến tháng 6 nước này không thể mở thầu vì tình trạng ách tắc hàng hoá ở các cảng biển. Sang tháng 7 mặc dù Bulog tăng sản lượng mời thầu nhưng do trả mức giá quá thấp nên lượng mua vào không đủ.
Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, thu về 3,34 tỷ USD, đây đều là con số kỷ lục mới của ngành lúa gạo Việt Nam so với cùng kỳ những năm trước, kể cả năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo thị trường gạo thế giới những tháng cuối năm tiếp tục sôi động, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,5 -8 triệu tấn gạo, kim ngạch vượt mốc 5 tỷ USD. |