6 tháng đầu năm, Philippines chi 1,2 tỷ USD mua gạo Việt Nam Giá gạo Việt Nam trở lại đỉnh sau 6 tháng mất “ngôi vương” Sự trở lại ấn tượng của gạo Việt Nam |
Có tới 80% gạo đóng gói được bán ở Thái Lan là gạo Khao Hom Phuang của Việt Nam. |
Ông Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết ngành công nghiệp gạo địa phương đang trong tình trạng bấp bênh khi sản lượng các giống gạo của Thái Lan như gạo thơm Pathum Thani và gạo KB 79 giảm, thay thế bằng giống gạo Việt Nam có tên là Khao Hom Phuang hay gạo hoa nhài 85, cho sản lượng lớn và thời gian sinh trưởng ngắn.
Ông giải thích thêm, nguyên nhân là năng suất của các giống gạo Thái Lan hiện rất thấp, cụ thể như Pathum Thani từ 800 - 900 kg/rai (1.600 m2) trong khi giống lúa thơm Việt Nam lên đến 1.200 - 1.500 kg/rai. Một điểm đáng chú ý là giống của Thái thời gian sinh trưởng đến 4 tháng (120 ngày) và chỉ trồng được 1 vụ trong năm, ngược lại giống của Việt Nam thời gian thu hoạch ngắn hơn, chỉ 90 - 100 ngày và có thể trồng quanh năm.
"Có tới 80% gạo đóng gói được bán ở Thái Lan là gạo Khao Hom Phuang của Việt Nam, khiến gạo thơm Pathum Thani gần như biến mất khỏi thị trường vì loại gạo này cho năng suất cao hơn, 1.200-1.500 kg/rai, thời gian thu hoạch ngắn hơn, chỉ 90-100 ngày và có thể trồng quanh năm. Gạo thơm Pathum Thani cho năng suất 800-900 kg/rai, thời gian thu hoạch là bốn tháng và chỉ có thể trồng một lần trong năm", ông Charoen cho biết.
Chuyên gia Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, nói theo thông tin bà biết thì Thái Lan bắt đầu trồng giống lúa thơm của Việt Nam cách đây gần 2 năm và hiện tại diện tích đang phát triển rất nhanh. Đó là nhu cầu thực tế của sản xuất nên chính quyền chưa chính thức lên tiếng. Thời gian qua, công tác nghiên cứu phát triển giống của Thái Lan bị chậm 1 nhịp so với Việt Nam. Họ có một số giống mới nhưng nó vẫn còn “cứng cơm”, chưa đạt độ mềm và xốp như giống gạo của Việt Nam nên chưa được thị trường chấp nhận. Trong khi đó, các nhà thương mại cần phục vụ thị trường một cách tốt nhất và nhanh nhất nên họ muốn chính phủ Thái Lan chấp nhận và hợp pháp hóa giống này bằng cách hợp tác và trao đổi trực tiếp với Chính phủ Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, hiện nay gạo Việt Nam được giao dịch ở mức cao hơn gạo Thái Lan, Pakistan và Myanmar.
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tuần vừa qua, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 34 USD/tấn.
Tương tự, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn.
"Có thể nói, thời điểm hiện nay giá gạo Việt Nam đang tăng so với giá gạo của các nước Thái Lan và Pakistan. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất. Đây là sự trở lại ấn tượng của gạo Việt sau vụ lùm xùm trúng thầu xuất khẩu tại Indonesia", một lãnh đạo của VFA nhận định.
Thời điểm hiện nay giá gạo Việt Nam đang tăng so với giá gạo của các nước Thái Lan và Pakistan. |
Hiện nay, khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... Ngoài ra, gạo Việt cũng bắt đầu có mặt ở các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, trong khoảng nửa tháng trở lại đây, công ty liên tục xuất các lô hàng sang thị trường Philippines với khối lượng tăng hơn 30% so với tháng 7.
Theo ông Đôn, thông thường những tháng cuối năm là thời điểm các nước đều tăng nhập khẩu gạo. Đặc biệt, năm nay hai thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines và Indonesia đều thông báo tăng lượng gạo nhập khẩu.
Theo đó, Philippines tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên 4,5 - 4,7 triệu tấn. Còn Indonesia cho biết, có thể nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024. Nguyên nhân là sản lượng gạo mà quốc gia này sản xuất từ đầu năm đến tháng 8 thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải sự trở lại của giá gạo Việt, ông Đôn cho rằng, việc Phillippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% xuống còn 15% của Phillippines giúp các DN nước này mạnh dạn tăng nhập khẩu hơn so với trước. Trong khi đó, ở nước ta, vụ Hè Thu cũng sắp kết thúc và chuẩn bị vào vụ Thu đông. Cả 2 vụ này đều không phải là vụ sản xuất chính trong năm nên sản lượng không lớn, đẩy giá gạo tăng cao.
Trước những gam màu tươi sáng của gạo Việt Nam xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự đoán năm nay gạo Việt sẽ đạt mốc xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch sẽ vượt 5 tỉ USD.
Nông dân sẽ được hưởng lợi gì khi trồng lúa giảm phát thải carbon? |
Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo: Gia tăng cơ hội cho gạo Việt Nam |
Điều gì sẽ xảy ra nếu Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo? |