So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng nhẹ 6% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu gạo năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ.
Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD. |
Tính đến hết tháng 8, Philippines đã chi ra gần 1,72 tỷ USD để mua 2,81 triệu tấn gạo của Việt Nam trong 8 tháng qua. So với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu của nước ta sang thị trường này tăng 19,6% về lượng và 39,8% về giá trị.
Indonesia cũng đã tăng thu mua gạo Việt từ năm ngoái đến nay. Trong 8 tháng, nước này mua gần 913.900 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương 557,8 triệu USD. Xuất khẩu gạo Việt sang Indonesia tăng 27% về lượng, tăng 54% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, Việt Nam đã xuất khẩu gần 582.900 tấn gạo sang Malaysia, thu về 345,9 triệu USD. Gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng 112% về lượng và tăng gần 153% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 234.272 tấn, mang 37,2 triệu USD.
Giá gạo xuất khẩu trung bình của nước ta trong 8 tháng năm nay đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, ngày (18/9), Bộ trưởng Thực phẩm Ấn Độ Sanjeev Chopra cho biết, nước này đang cân nhắc nới lỏng các hạn chế đối với việc xuất khẩu gạo non-basmati trong bối cảnh lượng hàng tồn kho dư thừa và diện tích gieo trồng lúa tăng mạnh.
Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu một số loại gạo trong hơn một năm nhằm kiềm chế giá trong nước. Hiện tại, gạo basmati chỉ có thể được xuất khẩu với giá cao hơn giá sàn, trong khi gạo parboiled phải chịu thuế xuất khẩu 20% và xuất khẩu gạo non-basmati và gạo tấm hoàn toàn bị cấm.
Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã có động thái bãi bỏ giá sàn đối với gạo basmati xuất khẩu. Bất kỳ nỗ lực nào để nới lỏng các hạn chế có thể giúp hạ nhiệt giá gạo của châu Á, vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn 15 năm vào tháng 1 và vẫn đang ở mức cao kỷ lục. Đó sẽ là tin tốt cho một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Ấn Độ.
Ấn Độ đang cân nhắc nới lỏng các hạn chế đối với việc xuất khẩu gạo non-basmati trong bối cảnh lượng hàng tồn kho dư thừa và diện tích gieo trồng lúa tăng mạnh. |
Trong năm tài chính 2024, Ấn Độ đã xuất khẩu tổng cộng 15,7 tấn gạo, bao gồm 2,36 tấn gạo non-basmati, 545.000 tấn gạo tấm và 7,57 tấn gạo parboiled, trong khi tổng cộng 21,8 tấn gạo đã được xuất khẩu trong năm tài chính 2023. Ấn Độ là nước sản xuất gạo lớn thứ hai sau Trung Quốc và là nước xuất khẩu lớn nhất trên toàn cầu, đóng góp ít nhất 40% vào thương mại toàn cầu trước khi lệnh hạn chế xuất khẩu được áp dụng.
Theo dự báo của S&P Global Commodity Insights, sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ đạt mức cao kỷ lục 135,5 - 138 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025 (từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2025) nhờ sự quay trở lại của điều kiện thời tiết La Nina.
Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Thái Lan công bố ngày 18/9, quốc gia Đông Nam Á này đã xuất khẩu 5,68 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 vừa qua, với tổng trị giá 132,4 tỷ baht (khoảng 3,7 tỷ USD), tăng 50,97% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Thương mại Thái Lan dự báo, xuất khẩu gạo của nước này có thể vượt mục tiêu dự kiến là 8,2 triệu tấn trong năm nay, một phần do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, khiến nguồn cung gạo toàn cầu bị thắt chặt.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, không dễ để đưa ra được nhận định về giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng giá gạo xuất khẩu giảm từ nay đến cuối năm là khó.
Ông Đỗ Hà Nam cho hay, lượng gạo để xuất khẩu từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, Philippines dự kiến còn nhập khoảng 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam.
Để hỗ trợ xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đã và đang triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.