Cây dâu tằm ở nước ta được trồng ở khắp nơi bằng cách giâm cành
Vài nét về cây thuốc Đông y quý- Dâu tằm
Dâu tằm, mạy môn, tầm tang, dâu trắng (white mulberry) có tên khoa học Morus alba L. Morus acidosa, họ Dâu, Moraceae. Có đến 24 loại dâu tằm, nhưng phổ biến nhất là ba loại trắng, đen và đỏ.
Dâu tằm được trồng chủ yếu ở châu Á và bắc Mỹ để lấy lá là nguồn thực phẩm duy nhất để nuôi tằm nhả tơ. Ở Việt Nam, dâu tằm được trồng khắp các vùng miền trên cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh có nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.
Toàn bộ cây dâu đều có thể sử dụng nhiều trong các bài thuốc: Lá dâu (tang diệp), Quả dâu (tang thầm), Rễ dâu (tang bạch), Tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang tiêu phiêu), Cây ký sinh trên cây dâu ( tang ký sinh). Trong đó quả dâu (tang thầm) là phần có giá trị dinh dưỡng và dược liệu nhất.
Công dụng chung của dâu tằm
Thật hiếm để tìm thấy một loại cây nào lại tận dụng mọi bộ phận để làm thuốc chữa bệnh như dâu tằm.
Lá dâu dùng làm thức ăn nuôi tằm, rau ăn kèm các món gỏi, nướng, nấu canh,…Kết hợp với các dược liệu khác nhau để làm đẹp da, trị bệnh về mắt, chóng mặt, đau đầu, cao huyết áp, cảm mạo, tiểu đường, trị ho, ra mồ hôi trộm,…
Quả dâu tằm ăn tươi, làm siro, làm mứt, kem, sữa chua, làm một số loại bánh,…Ứng dụng trường hợp cần bổ thận, tráng dương, sáng mắt, an thần, hỗ trợ tiêu hóa, giúp đen râu tóc. Vỏ rễ cây sử dụng khi cần chữa ho ra máu, viêm phế quản, viêm họng kèm sốt,…
Phần cành mang lá của cây tầm gửi trên cành dâu tằm giúp cường kiện gân cốt, chống động thai dọa sẩy thai…
Vỏ trong rễ dâu có tác dụng gây hạ huyết áp, gây trấn tĩnh. Cao chiết với nước và methanol từ vỏ rễ dâu làm giảm mức đường huyết.
Tang phiêu phiêu (tổ bọ ngựa trên cây dâu) là vị thuốc Đông y có chứa nhiều hoạt chất quý, tốt cho sức khỏe sinh lý
Theo thuốc Đông y dâu tằm có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe
Theo Đông y, dâu tằm tính bình là một vị thuốc thể chế biến thành nhiều món ăn, bài thuốc mang lại lợi ích cho sức khỏe như: Bồi bổ cơ thể, bổ thận, tráng dương, bổ máu, chống bạc tóc; hỗ trợ tiêu hoá; thông khí huyết, trợ tim mạch; sáng mắt, trợ thị giác; chống mất ngủ.
Hỗ trợ tiêu hóa
Nhờ chứa lượng lớn chất xơ, quả dâu tằm giúp cải thiện nhanh các vấn đề về đường ruột như táo bón, chuột rút và đầy bụng. Đồng thời giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
Giúp tim khỏe mạnh, ổn định huyết áp, giảm bệnh tim mạch
Cũng như trái nho, dâu tằm có khá nhiều polyphenol đặc biệt là chất resveratrol. Đây là một chất chống oxy hóa quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tim mạch nhất định: chống xơ vữa động mạch, chống đông máu, giảm huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra reveratrtol còn làm giảm cholesterol, glucose trong máu... gián tiếp làm giảm nguy cơ tim mạch.
Resveratrol là hoạt chất chống oxy hóa có trong dâu tằm giúp làm tăng sản xuất oxit nitric, làm giãn mạch máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Từ đó giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch như đột qụy, đau tim.
Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể
Trái dâu tằm có hàm lượng cao các vitamin A, vitamin C và flavonoid giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, ngăn ngừa cảm cúm, ho, cảm lạnh và nhiều bệnh khác.
Các loại vitamin có trong dâu tằm được xem là vũ khí phòng thủ mạnh mẽ giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Làm chậm quá trình lão hóa da
Các hoạt chất chứa trong quả dâu tằm như vitamin A, E, C và các thành phần carotenoid như zea-xanthin, lutein, alpha carotene,… có tác dụng chống lại sự tấn công của các gốc tự do. Từ đó giúp da, tóc khỏe mạnh và căng mịn.
Phòng chống ung thư
Các hợp chất phytonutrient, anthocyanins, polyphenolic và vitamin A,… chứa trong loại quả tự nhiên này có công dụng chống lại các gốc tự do có hại đối với tế bào khỏe mạnh, từ đó giúp ngăn ngừa ung thư.
Tóm lại, dâu tằm không chỉ được dùng để uống giải khát, thanh lọc cơ thể mà còn được dùng như một vị thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, dâu tằm có tính hàn nên không thích hợp dùng nhiều cho những người bị tiêu chảy, sôi bụng. Dâu tằm kỵ kim loại nên khi nấu nước dâu hãy sử dụng nồi đất hoặc nồi tráng men.
Yên Thư