Loại thảo dược nghe tên lạ hoắc lại có công dụng tuyệt vời cho sức khoẻ Tác dụng không ngờ của cây tắc kè đá 6 lợi ích tuyệt vời của Bồ Công Anh đối với sức khỏe |
Lá khôi là lá của cây khôi, tên khoa học là Ardisia silvestris Pitard., tên gọi khác cây khôi tía, cây khôi nhung, cây khôi, đơn tướng quân, cây xăng sê, thuộc họ đơn nem (Myrsinaceae).
Cây khôi là loài thực vật nhỏ, thân mọc đứng, chiều cao chỉ khoảng 1.5 – 2m. Bên trong thân rỗng xốp, thân không phân nhánh hoặc phân nhánh ít.
Lá khôi thường mọc chủ yếu ở phần ngọn và tán lá, các lá sắp xếp so le. Tiết diện của lá lớn, dài từ 25 - 40cm, chiều rộng khoảng 6 - 10cm.
Mặt trên của lá màu xanh sẫm, mặt dưới màu đỏ tím, mép lá có hình răng cưa. Bề mặt lá khôi có một lớp lông mịn nên người ta còn gọi là lá khôi nhung. Lá khôi có 2 loại là lá khôi tía và lá khôi trắng. Cả 2 loại này đều được sử dụng làm thuốc, lá khôi tía được dùng phổ biến hơn.
Cây khôi thường mọc hoang ở Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,…
Người ta sẽ lựa chọn thu hoạch những lá lành lặn, to khỏe và không bị sâu bệnh. Sau đó đem rửa sạch lá khôi rồi phơi nắng cho đến khi mềm lại, ủ lá trong bóng râm. Ngoài ra lá còn có thể được sao lên khi dùng.
Mùa thu hoạch lá khôi thường vào tháng 8 - 9 khi cây đã đơm trái. Bảo quản lá ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo.
Thành phần hóa học: Trong cây khôi có chứa hoạt chất Glycoside có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, đồng thời nó còn có khả năng cải thiện trí nhớ và hạn chế tình trạng suy nhược thần kinh;
Hàm lượng Tanin dồi dào chứa trong lá khôi có tác dụng làm chậm quá trình oxy hóa diễn ra trong tế bào, ức chế sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư.
Ngoài ra, lá khôi còn nhiều khoáng chất và vitamin khác.
Theo y học cổ truyền: Lá khôi có vị chua, tính hàn, quy vào kinh Tỳ và kinh Vị.
Chủ trị: Viêm họng, đau dạ dày, nổi mề đay mẩn ngứa, ghẻ lở, dị ứng, thấp khớp.
Bài thuốc sử dụng lá khôi
Trị bệnh đau dạ dày, đau cả khi đói hoặc no
Chuẩn bị: Mẫu lệ, thảo quyết minh mỗi vị 20g, ô tặc cốt 15g, lá khôi tía 25g. Đem tất cả sao vàng hạ thổ, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 1 thìa cà phê, ngày dùng từ 3 – 4 lần.
Đau dạ dày có thể trạng sút kém, mệt mỏi, đau vùng thượng vị lan ra hai bên sườn
Lá bồ công anh 40g và lá khôi 80g, cam thảo 10g, lá khổ sâm 12g. Đem nguyên liệu thái nhỏ, phơi cho khô rồi sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml thì chia thành 2 lần uống, nên dùng khi bụng đói.
Viêm loét dạ dày tá tràng với triệu chứng ợ hơi, ợ chua, bụng đầy trướng
Cách 1: Cam thảo nam. khổ sâm mỗi loại 16g,hậu phác, uất kim, hương phụ mỗi loại 8g, lá khôi tía, bồ công anh mỗi loại 20g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Cách 2: Lá khổ sâm, bồ công anh và nhân trần mỗi vị 12g, chút chít và lá khôi tía mỗi vị 10g. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 30g uống với nước sôi để nguội.
Mề đay mẩn ngứa do huyết trệ
Sử dụng xích thược, đương quy vĩ và đan bì mỗi vị 10g, thổ phục linh, cỏ nhọ nồi, sài đất và kim ngân hoa mỗi vị 12g, lá khôi tía 15g, núc nác 8g. Tất cả sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Điều trị bệnh thấp khớp
Lá đơn mặt trời 12g, lá thông 8g, ké đầu ngựa 16g, dây kim ngân 10g, lá khôi tía 12g, lá bạc thau (sao) 12g, rễ gối hạc 16g. Tất cả sắc với 600ml nước còn lại 200ml, đem chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Nên dùng trước khi ăn và trước khi đi ngủ. Mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày, thực hiện khoảng 3 – 5 liệu trình để có cải thiện rõ rệt.
Viêm phế quản và viêm họng
Bột nếp, mật ong lượng vừa đủ, lá khôi tía 100g. Băm nhỏ, nấu với 1 lít nước cho sôi, sau đó bỏ bã và đun cho nước sền sệt. Trộn đều với mật ong và bột nếp làm thành 20 viên. Mỗi ngày ngậm 2 viên, dùng liên tục trong 3 – 4 ngày.
Trị ghẻ lở
Một nắm lá khôi nhung, đem rửa sạch, thái nhỏ và đun sôi với 5 lít nước. Dùng nước tắm và sử dụng bã xát nhẹ vào nốt ghẻ lở. Sử dụng bài thuốc này 1 lần/ ngày trong liên tục 3 – 5 ngày sẽ thấy da hết ngứa và các mụn ghẻ lở khô dần.
Điều trị bệnh lý về dạ dày
Bồ công anh 20g, cam thảo 4g, ngải cứu 8g, khổ sâm 12g, lá khôi nhung 40g, uất kim 12g, hậu phác 12g. Đem sắc uống hằng ngày.
Mẩn ngứa do dị ứng
Đơn nem 10g, đơn lá đỏ, cây đơn kim và lá khôi 15g mỗi loại 15g. Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Chứng phát ban do phong nhiệt
Thổ phục linh, nhẫn đông đằng, thương nhĩ tử và lá khôi nhung mỗi vị 20g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.
Trị đau dạ dày thể hỏa uất (rêu lưỡi vàng, đau vùng thương vị, đắng miệng, miệng khô, ợ chua)
Bán hạ chế 8g, gừng 4g, bố chính sâm 12g, trần bì 6g, lá khôi nhung 20g, sa nhân 10g và nam mộc hương 10g. Thực hiện: Đem sắc uống ngày dùng 1 thang.
Chữa mẩn ngứa, mề đay và dị ứng
Cách 1: Dùng tầm phỏng và lá khôi mỗi vị 100g. Đem các vị sắc lấy nước uống, đồng thời nên nấu lá khôi và dùng nước tắm hàng ngày.
Cách 2: Lá khôi tía 10g, đem băm nhỏ và sắc với 400ml nước còn lại 100ml. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
Cách 3: Kim ngân hoa, ké đầu ngựa, lá khôi tía, và lá mã đề mỗi vị 12g, đơn đỏ 25g. Tất cả sắc lấy nước uống, chia đều thành 3 lần và dùng trước khi ăn.
Lưu ý khi sử dụng lá khôi
Các nhà khoa học nhận ra rằng, triệu chứng viêm dạ dày sẽ thuyên giảm đáng kể khi dùng lá khôi với liều lượng từ 100g trở xuống. Tuy nhiên nếu tăng lên đến 250g/ngày thì sẽ khiến cho người bệnh có các biểu hiện như da xanh tái, cơ thể uể oải, mệt mỏi. Vì vậy cần hết sức lưu ý đến liều lượng phù hợp khi dùng lá khôi trong điều trị bệnh.
Để đảm bảo được hiệu quả cũng như phòng ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, bệnh nhân khi dùng lá khôi nên có sự tư vấn kỹ lưỡng từ thầy thuốc.
Những tác dụng tuyệt vời của cây đinh lăng ít người biết |
Một số công dụng hữu ích của cây Hương Nhu đối với sức khỏe |
Cây Chùm Ngây là một trong những dược liệu quý có tác dụng tốt với sức khỏe |