2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 6 điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 1 năm 2024 Những mảng màu tươi sáng của kinh việt Nam đầu năm mới |
Đơn hàng tăng vọt, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ. |
Tới tấp đơn hàng
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và bắt đầu tăng tốc với nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm.
Tại Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh (Bình Chánh, TPHCM), ngay trong ngày đầu tiên khai xuân, 100% công nhân đã có mặt để gặp mặt đầu năm và bắt tay vào sản xuất. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh cho biết, do nhu cầu thực tế của khách hàng là hàng tiêu dùng thiết yếu nên ngày đầu tiên hoạt động trở lại, công ty bắt đầu hoạt động hai ca 16/24 tiếng. Đơn hàng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, năm 2024 tiếp tục là một năm sẽ rất khó khăn với các doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng với những tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng, từ sự trở lại và tăng trưởng của nền kinh tế và các biện pháp hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, Phúc Thịnh tự tin sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2024. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư về nhà máy, máy móc nguyên liệu, đưa ra nhiều mẫu sản phẩm mới lạ và chất lượng cao để chinh phục các khách hàng trong nước cũng như các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Canada…
Tự tin kỳ vọng một năm khởi sắc hơn, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty Đại Dũng cho biết, đơn hàng của nhà máy rất dồi dào nên cần khẩn trương sản xuất ngay từ đầu năm. Tổng giá trị các hợp đồng ngay từ đầu năm 2024 của Công ty Đại Dũng khoảng 1.500 tỷ đồng, đạt 10% mục tiêu doanh số. Hiện khoảng 90% người lao động (hơn 2.800 lao động) của Công ty đã có mặt để bắt đầu làm việc. Một số lao động ở tỉnh xa, công ty tổ chức xe đưa đón để ngày 19/2 (mùng 10 Tết), 100% nhân sự có mặt.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, đầu năm mới một số siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ đã đặt đơn hàng mới và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng sức mua của thị trường sẽ tốt hơn năm 2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng lường trước những thách thức phải đối mặt, do đó Xuân Nguyên không đặt nặng chỉ tiêu lợi nhuận mà chủ yếu chia sẻ lợi ích cho các khâu trong chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên cho các hộ nông dân cung ứng nguyên liệu và công nhân viên.
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, 150 công nhân tại nhà máy công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã hối hả sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Canada, Mỹ. Hiện tại, công ty đã có đơn hàng đến hết quý II/2024. Đồng thời, nhận gia công thêm hàng nội thất cho thị trường nội địa. Ông Võ Ngọc Tường Linh – Giám đốc Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng cho biết, đơn hàng hiện đã có nhiều. Để kịp tiến độ giao hàng, công nhân đã tăng ca ngay từ đầu năm.
Sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu
Việt Nam cần tập trung đổi mới, xây dựng quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các thị trường xuất khẩu trọng điểm . |
Theo nhận định của ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đúng hướng. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, cần tập trung đổi mới, xây dựng quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các thị trường xuất khẩu trọng điểm và nâng cao giá trị xuất khẩu thông qua chế biến.
Điểm tựa cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 còn là 17 FTA đã ký kết và đang thực thi, giúp các doanh nghiệp có ít nhiều lợi thế trong việc đàm phán các đơn hàng, khai mở thị trường.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long (Bình Dương) cho biết, tín hiệu tích cực với xuất khẩu gỗ năm 2023 là quý 4 năm 2023 đã tăng nhiều hơn. Do đó, trong năm 2024, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023. Tuy vậy, quá trình xuất khẩu của doanh nghiệp hiện còn nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu đang chững lại và có nhiều dấu hiệu bất ổn do ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn. Thêm vào đó, việc xuất khẩu ngày càng khó hơn do quy chuẩn sản xuất hàng hóa của các nước ngày càng khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết, trong năm 2024, doanh nghiệp tập trung việc giữ các khách hàng truyền thống song song với xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường châu Á. Bên cạnh việc duy trì chất lượng cho các sản phẩm đã có thương hiệu như mật ong, tinh bột nghệ, Xuân Nguyên cũng đang có kế hoạch tuyển dụng thêm hơn 100 lao động để phát triển nhóm sản phẩm mới là trái cây sấy và nước ép trái cây; mở rộng liên kết với các hệ thống phân phối sản phẩm chăm sóc sức khoẻ…
Trong năm 2024, VinaCapital kỳ vọng hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ sẽ hồi phục nhẹ một phần bởi dư nợ tín dụng ở Mỹ đã tăng gần 40% trong hai năm qua, hạn chế người tiêu dùng ở Mỹ tiếp tục mua sắm các sản phẩm Made in Vietnam, Điều này thể hiện qua doanh số không như mong đợi trong dịp Black Friday vừa qua ở Mỹ.
Xuất khẩu linh kiện máy tính và hàng điện tử đã tăng trở lại nhưng xuất khẩu điện thoại thông minh và hàng may mặc vẫn đang suy giảm. Doanh số sản phẩm máy tính và các sản phẩm dành cho xu hướng work from home đã giảm sau Covid nhưng người tiêu dùng đang có nhu cầu nâng cấp máy tính để sử dụng các chương trình về trí tuệ nhân tạo, lý giải vì sao công ty nghiên cứu Canalys dự báo doanh số máy tính toàn cầu sẽ hồi phục từ mức giảm 12% năm 2023 lên mức tăng 10% năm 2024.
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu thông tin, năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Cụ thể xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.
Mặc dù vậy, xuất khẩu có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Cục Xuất nhập khẩu dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.
Những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2023 |
Lạm phát năm 2024 được dự báo sẽ “hạ nhiệt” |
Năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt kỷ lục 8,13 triệu tấn |