OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2023 Điểm sáng kinh tế Việt Nam giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5% |
Những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam năm 2023 khá rõ nét |
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao
Năm 2023, cả nước có 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.521,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.052,6 nghìn lao động, tăng 7,2% về số doanh nghiệp, giảm 4,4% về vốn đăng ký và tăng 7,3% về số lao động so với năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với năm trước, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của hơn 46 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn là 2.036,6 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8%.
Bên cạnh đó, còn có 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4% so với năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Mức tăng trưởng này dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
"Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV/2023 và năm 2023 sáng 29/12.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 có xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể: quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47% và quý IV tăng 6,72%.
Đáng chú ý, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt trên 10,2 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Tiền lương, thu nhập của người lao động đều tăng trong năm 2023
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dựa trên số liệu tổng hợp của hơn 47.300 doanh nghiệp, tương ứng với 4,79 triệu lao động (chiếm 17,36% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) về tình hình tiền lương năm 2023 cho thấy mức lương của người lao động có tăng lên.
Theo đó, năm 2023, mức lương bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng). Mức lương cao nhất năm 2023 là 834 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.
Bất chấp những khó khăn chung, thu nhập của người lao động tăng lên trong năm 2023 cũng được phản ánh qua số liệu thống kê từ báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, thu nhập bình quân của lao động là 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459.000 đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,1 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,0 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,2 triệu đồng/tháng.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 3,4 lần
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2023 đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Con số này gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Tuy vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá số lượng này mới chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Trong tổng số 12,6 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 11 triệu lượt người, chiếm 86,9% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách đi đường bộ đạt 1,5 triệu lượt người, chiếm 12,1% và gấp 4 lần. Riêng khách đến bằng đường biển tăng mạnh nhất đạt 126.100 lượt người, chiếm 1% và gấp 40,2 lần.
Tiếp tục kiểm soát tốt lạm phát
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. Trong khi đó, nếu so với cùng kỳ năm trước, mức tăng là 3,58%. Còn nếu tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Phân tích về diễn biến CPI năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm nay, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm dần, sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm.
Dù vậy, so với mục tiêu dài hạn, mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12/2023 tăng 3,58% so với tháng 12/2022; còn bình quân, chỉ tăng 3,25%.
Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt mức cao nhất từ 2019 trở lại đây
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022, mức tăng này cải thiện hơn so với mức tăng 5,8% của 9 tháng, cho thấy trong quý IV/2023 việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư đạt kết quả cao hơn các quý đầu năm.
Trong đó, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng 21,2% so với năm trước, phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay.
Xuất nhập khẩu phục hồi ấn tượng
Xuất nhập khẩu năm 2023 có sự hỗ trợ rất lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Việt Nam tham gia thành công và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
Xuất siêu tăng mạnh
Trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,54 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD.
Vốn FDI cao nhất 5 năm
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Trước đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng cuối năm đã khiến dòng vốn này trong cả năm nay tăng mạnh so với năm 2022.
Vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.
Năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD.