Tiền Giang mở rộng diện tích cây trồng chủ lực, thu lợi nhuận cao Kiên Giang tập trung phát triển nông sản chủ lực Hà Nội: Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực |
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 đến 2020, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái tự nhiên.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
![]() |
Quảng Ninh phát triển nhóm cây trồng chủ lực theo vùng sinh thái |
Thực hiện kế hoạch, thời gian gần đây các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi trên 3.100ha cây trồng có giá trị kinh tế thấp, sang trồng những cây cho giá trị kinh tế cao. Riêng đối với những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, các địa phương đã thực hiện chuyển đổi 441ha sang trồng cây hàng năm và 96ha sang trồng cây lâu năm. Cùng với đó, các địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng sản phẩm nông nghiệp, tập trung ở 3 nhóm sản phẩm, là nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng lớn (rau sạch, lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng, cây ăn quả); cây công nghiệp lâu năm (chè, cây dược liệu); sản phẩm tiềm năng (hoa, cây cảnh).
Mặc dù kết quả đạt được là vậy nhưng Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đánh giá, việc tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh vẫn còn có những tồn tại. Việc phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi trên cơ sở phát huy lợi thế chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; áp dụng khoa học công nghệ chưa mạnh, chưa tạo được đột phá về giá trị gia tăng cho sản phẩm; công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của nền sản xuất lớn.
Khắc phục những tồn tại nêu trên, theo kế hoạch đến năm 2025, ngành trồng trọt của tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung, ổn định, quy mô lớn.