Ba tháng chăm hoa vụ Tết, người dân bỗng trắng tay sau trận lũ Sau mưa lũ người trồng rau, hoa ở Đà Nẵng trắng tay vụ Tết “Ăn, ngủ cùng hoa”, người trồng kỳ vọng gì vào vụ hoa Tết? |
Nhiều nỗi lo của người nông dân
Được biết, nhiều nhà vườn ở miền Tây sông nước đang tất bật cho vụ hoa kiểng, trái cây phục vụ thị trường Tết Quý Mão năm 2023. Tuy nhiên, họ cũng lo lắng tình trạng mưa lớn kéo dài cộng với triều cường dâng cao nhiều ngày qua đang ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất.
Tại Cần Thơ, hoa kiểng được trồng tại hầu khắp các quận, huyện. Trong đó, tập trung nhiều tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc các phường Long Tuyền và Long Hòa, quận Bình Thủy.
Nhà vườn Trần Văn Sê (ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy) có thâm niên trên 20 năm làm nghề trồng hoa kiểng cho biết, năm nay ông cho xuống giống 3.000 giỏ hoa với hơn 10 loại hoa, trong đó chủ yếu là cúc Đài Loan, cúc mâm xôi và cát tường.
“Thế nhưng do mưa trái mùa dẫn đến đợt xuống giống không đạt chất lượng. Hơn thế nữa, đợt triều cường tháng 9 vừa rồi làm cho tôi và nhiều hộ gia đình trở tay không kịp, khiến 500 giỏ hoa bị ngập trong nước. Bên cạnh đó, chi phí phân bón và vật tư nông nghiệp tăng cao quá, làm lợi nhuận bị giảm mạnh nên cũng lo lắng về đầu ra”, ông Sê cho biết.
Một làng hoa tại “thủ phủ” hoa tết miền Tây tại thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). |
Theo ông Đoàn Hữu Bốn, Giám đốc HTX Hoa kiểng Bình An (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ), các xã viên trồng khoảng 20 chủng loại, trong đó nhiều nhất là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan và cát tường để phục vụ thị trường Tết Quý Mão năm 2023. Tuy nhiên, mấy tuần nay, mưa rất lớn kết hợp với triều cường nên nhiều hộ dân phải tốn chi phí nâng giàn để trồng hoa trong chậu. Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp tăng cũng làm đội chi phí cho nhà vườn.
Tại “thủ phủ” hoa tết miền Tây tại thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), nơi cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh và cả nước, dự kiến diện tích hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay khoảng 100ha, bao gồm các loại như: cúc các loại, hồng các loại, mai, cát tường, vạn thọ, hạnh, lan... Tuy nhiên nhiều nhà vườn đang giảm diện tích trồng vì lo ngại sức mua sụt giảm. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào tăng cao như: phân rơm, phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của ngành hàng hoa kiểng vụ Tết Nguyên đán 2023.
Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, làm giảm lợi nhuận nên một số chủ vườn tại Sa Đéc giảm diện tích canh tác các loại hoa hồng, cúc Đài Loan, cúc tiger, vạn thọ, thược dược... Cũng vì sợ “bí” đầu ra nên nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng các loại cây kiểng công trình phục việc trang trí các tiểu cảnh.
Nhà vườn Nguyễn Thị Năm, đã có thâm niên hơn 40 năm trồng hoa Tết đang lo thị trường hoa Tết năm nãy sẽ trầm lắng, sức mua sẽ giảm mạnh. “Giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao nên trồng hoa Tết khó có lãi nhiều trong khi dự báo đầu ra sẽ khó khăn hơn. Tôi đã chủ động giảm số lượng hoa còn khoảng 70% so với năm ngoái”, chủ vườn này tính toán.
Thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc, hiện tại, chỉ có cúc mâm xôi là thế mạnh của nông dân ở đây nên số lượng xuống giống tăng gấp đôi so với vụ hoa Tết Nhâm Dần 2022, tập trung nhiều tại xã Tân Khánh Đông.
Còn ở làng hoa Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là một trong những vùng trồng hoa Tết nhiều nhất đồng bằng sông Cửu Long, những ngày này, nhà vườn đang tất bật cho vụ hoa Tết.
làng hoa Chợ Lách là một trong những vùng trồng hoa Tết nhiều nhất đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, vụ Tết sắp tới, địa phương cung cấp 9-10 triệu sản phẩm các loại ra thị trường gồm: mai, tắc, hoa giấy, các loại cúc, lá màu... Vụ hoa Tết năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hộ dân không trồng nhiều. Vì vậy năm nay, các nhà vườn tập trung vốn liếng để sản xuất với hy vọng thắng lớn.
Cũng theo ông Liêm, triều cường dâng cao trong những ngày qua gây ngập một số nơi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc trồng hoa kiểng. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân theo dõi chặt hệ thống đê bao, làm giàn kê cao hoa kiểng, chú ý phòng ngừa sâu bệnh.
Nhà vườn Nguyễn Văn Đấu, (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) hồi hộp cho biết “Tôi trồng 500 chậu mai, dự kiến giá bán từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng/chậu. Đối với mai, thời tiết hiện nay vẫn chưa ảnh hưởng nhiều nhưng bị sâu bệnh, tôi phải tốn nhiều tiền mua thuốc trị. Hy vọng loại cây cảnh này sẽ hút hàng vào vụ Tết năm nay”
Khó khăn không dừng lại ở hoa, kiểng
Ngoài hoa, kiểng, trái cây cũng là thành phần quan trọng không thể thiếu trong dịp tết. Ngoài những loại đặc trưng, hiện nay những loại trái cây tạo hình “độc và lạ” như dừa in chữ Tài - Lộc, bưởi thỏi vàng, dưa hấu thỏi vàng, đào tiên hồ lô,… cũng là mặt hàng quen thuộc trong thị trường Tết những năm gần đây.
Lão nông Võ Hồng Quốc (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình ông đang chuẩn bị khuôn để tạo hình trên trái đào tiên. Vườn có khoảng 100 gốc cây đào tiên, tuy nhiên, năm nay mưa quá, không thuận lợi cho cây ra trái nên dự kiến, chỉ cung cấp cho thị trường Tết khoảng 200 trái đào tiên hồ lô 2 bên có chữ tài - lộc. “Một số thương lái đã gọi hỏi mua nhưng tôi chưa vội bán vì không biết tỉ lệ thành công bao nhiêu, điều này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết từ đây đến cuối năm”, ông Quốc cho hay.
Quay lại sản xuất tạo hình cho một số sản phẩm: Dừa in chữ Tài - Lộc, dưa hấu thỏi vàng, bưởi thỏi vàng, ông Huỳnh Thanh Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) dự kiến cung cấp khoảng vài trăm trái bưởi và dưa hấu, tương đương năm rồi. "Năm nay, tôi đầu tư để hoàn thiện khuôn, đi tỉnh khác hợp tác với Hợp tác xã khác để tạo hình nên chi phí tăng. Giá bán dự kiến sẽ tăng nhẹ", ông Tâm cho hay.
Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, đến thời điểm này, ông vẫn chưa dám hợp tác với các thương lái vì các loại trái chỉ đang vào khuôn, vẫn chưa đánh giá được chất lượng của trái có đạt hay không.
Không chỉ riêng những loại trái cây “lạ”, mà những loại trái bình thường như xoài, quýt cũng đang rơi vào nhiều tình thế khó khăn.
Mùa thu hoạch tại vườn quýt hồng Lai Vung (xã Tân Thành, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) những năm trước. |
Như giống quýt hồng Lai Vung (xã Tân Thành, H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) là trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Tháp. Giống quýt này có nhược điểm là dễ chết cây nếu bị úng nước. Hiện nay, lũ từ thượng nguồn đổ về, cộng với mưa nhiều nên nước dâng cao, nông dân phải dồn sức bơm, tát ra ngoài để bảo vệ vườn quýt.
Theo cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, toàn huyện canh tác hơn 200ha quýt hồng để bán vào dịp Tết 2023, sản lượng dự kiến khoảng 2.500 tấn trái. Tuy nhiên, một số vườn quýt bị ngập nước do đê bao thấp, lũ về mạnh và mưa liên tục đúng giai đoạn mùa quýt hồng đang mang trái, nên trái bị dư nước và nứt hoặc rụng khá nhiều, làm giảm sản lượng.
Bên cạnh đó, nhiều vườn xoài ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang,… cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề do thời tiết gây ra. Mưa nhiều làm xoài không đậu trái, làm giảm chất lượng của trái, tốn nhiều công sức để xử ly các loại bệnh,… .
Theo thông tin từ Chủ nhiệm của một hội quán ở Đồng Tháp, do vị trí ở gần sông Tiền nên khi lũ đầu nguồn về mạnh, nước tràn vào sát các đê bao, cộng thêm mưa nhiều liên tục nên mực nước trong các vườn xoài tăng lên. Hiện hội quán của ông trồng hơn 30 ha xoài, các hộ dân trong hội quán đang khẩn trương bơm, tát nước từ vườn xoài ra; mưa quá nhiều làm cho trái bị nám, thối và rụng nhiều nên người trồng phải tốn nhiều công sức và chi phí xử lý các loại bệnh nếu không sẽ không có gì để thu hoạch sẽ ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của nông dân.
Nhiều hãng hàng không nhận vận chuyển cây mai đào tươi dịp Tết 2021 |
Chủ vựa hoa Tết "mếu mặt" vì dịch Covid-19 |
‘Vương quốc' hoa kiểng khẩn trương vào vụ hoa Tết |