Nấm hương hay còn gọi là nấm đông cô, là một trong những loại nấm ăn phổ biến có nguồn gốc từ Đông Á, được trồng và tiêu thụ ở nhiều nước Đông Á. Ở châu Á, những loại nấm này đã được sử dụng để cải thiện sức khỏe nói chung. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu hơn về tác dụng và cách sử dụng loại thực phẩm quý này.
Đặc điểm của nấm hương
Nấm (quả thể) có mũ tròn, khum, đường kính 4-8cm, mặt trên màu nâu nhạt, sau nâu sẫm, có những vảy màu trắng nhỏ, mặt dưới phẳng có nhiều bản mỏng tỏa ra từ cuống nấm đến sát mép mũ mang bào tầng.
Cuống (chân) nấm hình trụ hẹp dài 3-10cm, đường kính 0,5-1cm, đính vào giữa mũ nấm, màu nâu sẫm, thường bị xẻ như bị rách. Thịt nấm màu trắng, toàn thân nấm có mùi thơm đặc biệt và mùa sinh sản là tháng 11-12.
Cây nấm hương |
Thành phần hóa học
Nấm hương tươi chứa các thành phần tính theo g% bao gồm: Nước 87, protein 5,5, lipid 0,5, glucid 3,1, cellulose 3, tro 0,9. Các thành phần tính theo mg% bao gồm: Calci 27, phospho 89, sắt 5,2.
Nấm hương tươi có 13% nước, 36% protein, 4% lipid, 23,5% glucid, 17% cellulose, 6,5% tro, 184 mg% calci, 606mg% phospho, 35 mg% sắt, 24 mg% vitamin PP, 0,16 mg% B1, 1,5 mg% B2, 8 mg% vitamin C, 0,32% caroten…
Nấm hương tốt cho tim mạch |
Tác dụng của nấm hương
Theo các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng: Nấm hương có các chất giúp phòng chống một số loại bệnh như:
Tăng cường hệ miễn dịch: Nấm hương rất tốt trong việc tăng cường khả năng miễn dịch. Một nghiên cứu của các chuyên gia đến từ trường đại học dinh dưỡng Hoa Kỳ cho thấy rằng; ăn nấm đông cô hàng ngày có thể giúp cải thiện chức năng miễn dịch.
Tốt cho tim mạch: Nấm hương chứa các chất dinh dưỡng thực vật có thể duy trì huyết áp ổn định và cải thiện tuần hoàn máu. Đồng thời, một số hợp chất: Eritadenine, Sterol, Beta glucan có trong nấm đông cô giúp giảm cholesterol, do đó có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Giúp kháng khuẩn, chống nhiễm trùng: Nấm hương chứa một số hợp chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus và chống nấm. Ngoài ra, chất chiết xuất nấm hương làm giảm số lượng của một số sinh vật gây bệnh trong khoang miệng, mà không ảnh hưởng đến các sinh vật có lợi cho răng miệng.
Giúp xương chắc khỏe: Nấm hương tốt cho xương nhờ vào nguồn vitamin D dồi dào. Hàm lượng vitamin D này làm tăng quá trình hấp thu canxi.
Mặt khác, vitamin D2 và canxi thu được từ nấm đông cô có thể cải thiện mật độ khoáng của xương nhờ đó mà xương chắc khỏe hơn. Đặc biệt, nấm hương rất tốt cho việc phòng và chống lại bệnh còi xương ở trẻ nhỏ.
Giúp ngăn ngừa bệnh ung thư: Nấm hương có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ vào đặc tính điều hòa miễn dịch. Ngoài ra, chất Lentinan có trong nấm sẽ có tác dụng ngăn ngừa, kìm hãm để làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư.
Nấm hương giúp ngăn ngừa bệnh ung thư |
Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nấm hương có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư bạch cầu, ung thư da và ung thư tuyến tiền liệt. Bổ sung nấm hương vào bữa ăn là một liệu pháp có hiệu quả cao cho các bệnh nhân ung thư.
Lưu ý khi sử dụng nấm hương
Nấm hương là thực phẩm tốt cho sức khỏe khi được sử dụng đúng cách, dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng khi sử dụng loại thực phẩm này:
Không rửa nấm quá kỹ: Nấm hương thường phát triển trong những môi trường sạch nên khi mua nấm về, nên không cần rửa nấm quá kỹ. Rửa nấm quá kỹ sẽ làm mất đi một số dưỡng chất của nấm. Ngoài ra, nếu như rửa nấm nhiều lần dưới nước thì nấm sẽ hút và ngấm nhiều nước nên khi chế biến sẽ không được ngọt mà bị nhạt.
Nấm được nấu ở nhiệt độ cao: Không chế biến nấm ở lửa nhỏ, vì sẽ làm nấm hương bị ra nước cũng như khiến nấm bị giảm hương vị và độ ngon. Cho nên khi chế biến các món ăn từ nấm, nên chế biến ở nhiệt độ cao, lửa lớn để món ăn được chín, giữ được hương vị và đẹp mắt hơn.
Dùng ít dầu khi chế biến nấm: Khi chế biến các món ăn từ nấm thì bạn không nên sử dụng quá nhiều dầu ăn. Bởi vì nấm là loại thực phẩm dễ hút chất lỏng nên khi bạn dùng quá nhiều dầu ăn, nấm sẽ ngấm dầu nhiều khiến cho món ăn béo hơn, mau ngán và không còn giữ được hương vị đặc trưng của nấm. Ngoài ra, nếu món ăn từ nấm chứa nhiều dầu ăn sẽ làm cản quá trình hấp thu chất dinh dưỡng có trong nấm vào cơ thể bạn mà còn gây ra các tình trạng không mong muốn như đầy bụng, khó tiêu…
Nấu chin nấm hoàn toàn: Nấm là thực phẩm nhanh chin, nhưng cần nấu chín hoàn toàn mới có thể ăn. Bởi vì nếu các chất có trong nấm không được nấu chín kỹ sẽ có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Cách tốt nhất là nên nấu nấm thật chín rồi mới sử dụng.
Trên đây là một số thông tin về tác dụng cũng như cách sử dụng nấm hương dùng để chế biến các món ăn. Tuy nhiên để sử dụng nấm hương với mục đích chữa bệnh nên tham khảo thêm từ các chuyên gia về y tế.