Tìm hiểu chung về Cà dại hoa trắng
Cà dại hoa trắng, thuộc họ cà, là loại cây nhỏ, mọc đứng, cao 2-3m, mang cành có gai. Lá mọc so le, có cuống hình trứng rộng, thường có thùy nông (ít khi nguyên), dài 18-25cm và rộng tới 18cm; cuống lá có gai, dài 3-10cm; phiến lá có lông mềm hình sao, gân giữa có gai. Cụm hoa xim ở kẽ lá. Hoa có cuống mang đài hoa 5 thùy có tuyến, có gai dài 3-5mm; tràng 5 thùy trắng, hình bánh xe; 5 nhị dài 5-6mm. Quả mọng hình cầu, khi chín màu vàng đường kính 10-15mm.
Cà dại là loại cây họ cà mọc hoang ở vùng núi có thể thu hái và mọc quanh năm. Rễ cây, quả hay lá, hoa đều được tận dụng để chế biến các món ăn hoặc làm thuốc. Đặc biệt, cà dại được rất nhiều du khách yêu thích và mua về làm quà khi đến đây. Một túi quả cà dại từ 400g - 500g thường có giá khoảng 8.000 - 10.000 đồng.
Các món ăn từ cà dại hoa trắng
Cà muối ớt
Chuẩn bị: Trái cà dại hoa trắng 500g, ớt thóc 200g, muối 50g, nước mắm 100ml, lọ thủy tinh 01 cái
Thực hiện: Hái trái cà khi trái đã có kích thước khoảng 1cm, không nên hái trái quá già. Cà và ớt rửa sạch để dáo nước. Sau đó bỏ một nắm cà vào lọ, rắc chút muối vào, bỏ ớt vào, thêm nước nắm vừa đủ sau đó lắc đều cho muối, nước nắm, cà ớt trộn đều lẫn với nhau. Đậy kín nắm bình và để trong thời gian khoảng 1 tuần là dùng được.
Rau đồ đồ thập cẩm
Chuẩn bị: Trái cà 100g, lá đu đủ 3 loại bánh tẻ, rau ngót 1 nắm, lá muồng muồng 1 nắm, rau máu 1 nắm, lá cây bọ mẩy 1 nắm. Chuẩn bị 1 nồi, một cái chõ để đồ.
Thực hiện: Các loại rau đem rửa sạch, trộn đều lại với nhau. Bỏ rau vào nồi chõ đồ chín bằng hơi nước, các bạn đồ trong thời gian khoảng 1 giờ sao cho rau chín mềm là được. Gắp rau ra chấm ăn với nước mắm ớt hoặc ăn với vừng sẽ rất ngon và bùi miệng. Đây là một món ăn mang đậm nét bản sắc truyền thống của người Mường ở tỉnh Hòa Bình, ai ăn môt lần sẽ nhớ mãi mùi vị của món rau đồ này.
Công dụng của Cà dại hoa trắng
Y học dân gian ở các nước dùng Cà dại hoa trắng trong điều trị các bệnh như:
Ở Ấn độ, quả được coi là có tác dụng điều trị gan và lách to, nước sắc quả được dùng uống trị ho. Cây còn có tác dụng an thần, lợi tiểu và lợi tiêu hóa. Rễ được dùng dưới dạng thuốc đắp nóng để chữa nứt nẻ ở bàn chân.
Ở Nepal, người ta dùng quả giã nát làm thuốc nhão đắp lên trán để chữa nhức đầu nặng.
Ở Indonesia, nhân dân thường giã nát quả lấy nước uống chữa sốt rét và những bệnh sốt khác vì có vị đắng. Quả cây cũng có trong thành phần của một thuốc uống gồm nhiều vị để trị tiêu chảy và đau bụng.
Ở Philippines, nhân dân địa phương dùng nước sắc rễ uống để giải độc khi bị ngộ độc, và cũng dùng cho phụ nữ sau khi sinh để làm giảm bớt sự chảy máu. Ở miền trung Haiti, nhân dân dùng lá dược liệu dưới dạng nước sắc uống chữa đau dạ dày.
Trong y học dân gian Camorun, lá cà dại hoa trắng là thuốc cầm máu.
Bài thuốc có cây cà dại hoa trắng
Làm dịu vết ong đốt: Giã nát quả cà dại hoa trắng với lá lốt, vắt lấy nước và thoa đều lên chỗ bị ong đốt.
Chữa nước ăn chân: Sắc lấy nước đặc 20g-30g lá chè xanh, dùng ngâm rửa chân trong 5-10 phút. Sau đó lấy khoảng 20g quả cà dại và 20g lá lốt, giã nát và thêm ít nước rồi dùng bông thấm nước bôi vào những vùng da bị nước ăn chân, nứt nẻ.
Chữa đau răng do bị sâu: Sắc lấy nước 10g rễ cà dại, 10g rễ cây chanh, 10g vỏ cây lai, 10g vỏ cây trẩu. Sau đó ngậm nước này rồi nhổ đi.
Lưu ý khi sử dụng cà dại hoa trắng
Phụ nữ mang thai không nên dùng vị thuốc này.
Loại quả này không độc, có thể sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày với nhiều món ăn lạ miệng. Tuy nhiên cần chú ý quan sát, tránh nhầm lẫn cây này với các loại cà dại khác, bởi một số loại cà dại có độc tính cao rất nguy hiểm có thể gây ngộc độc như cây cà độc dược.
Tuy cà dại hoa trắng được dùng nhiều trong y học dân gian không chỉ ở nước ta mà còn ở các nước khác. Tuy nhiên liều lượng sử dụng còn phụ thuộc vào cơ thể mỗi người. Bởi vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi dùng để đạt được hiệu quả tốt nhất.