Quả la hán là quả gì?
Quả la hán có tên khoa học là Siraitia grosvenorii, là loại thảo mộc thân leo, mọc tua rua và có khả năng uốn và sống dựa vào các cây thực vật khác để leo lên đón ánh sáng mặt trời. Quả có hình tròn hoặc hình tròn dài quả trứng, đường kính từ 5 cm đến 8 cm.
Quả có màu xanh lục, khi được phơi khô hay sấy khô sẽ chuyển sang màu nâu hoặc vàng. Phần bên ngoài của quả có một lớp lông nhu mỏng, khá giòn, có thể dùng tay bóp được. Bên trong quả có nhiều hạt và thịt màu trắng, sờ vào cảm giác xốp nhẹ. Hạt của quả la hán có hình tròn, ở giữa có rãnh nhỏ.
Trước đây, cây la hán mọc hoang quanh hàng rào, sau đó được đem về trồng vì mang lại giá trị kinh tế. Loại cây này được trồng chủ yếu ở nam Trung Quốc và bắc Thái Lan. Cây được đem nhân giống và trồng để thu hoạch quả. Mùa thu hoạch thường là vào tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
Ở Việt Nam, la hán được gieo trồng nhiều nhất ở các tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc như Lào Cai, Sơn La,… Nếu như từng đi qua các tỉnh này du lịch, có lẽ bạn sẽ bắt gặp cảnh quả la hán sau khi sấy khô được bày bán rộng khắp như đặc sản của vùng.
Trên thị trường, la hán được bán là quả khô, có giá từ 300.000-350.000 đồng/kg nhưng không phải khi nào cũng mua được. Nên chọn những quả to, tròn, cứng, khi lắc không nghe tiếng động bên trong. Dùng dao tách vỏ, chỉ lấy phần bên trong cho vào bình. Đổ nước đun sôi vào, hãm khoảng 15 phút là đã có thể bắt đầu sử dụng. Nước la hán có vị ngọt thanh, vô cùng dễ uống.
Thành phần hóa học của quả la hán
Quả la hán chứa nhiều hợp chất cho lợi cho sức khoẻ, đặc biệt thích hợp sử dụng làm dược liệu làm ngọt trong thức uống của người tiêu đường. Các thành phần trong quả la hán gồm có:
Trong thành phần quả la hán có đến 8,67%-13,35% protein.
La hán quả chứa vitamin C, khoáng chất Sắt, Mangan, Niken, Kẽm và rất nhiều nguyên tố vi lượng khác.
Trong hạt quả la hán có khoảng 41% acid béo
Đường hữu cơ: Fructose, glucose…hàm lượng không cao trong quả la hán nên không ảnh hưởng đến người tiểu đường
Chất ngọt: mogrosid
Hợp chất protein monogrosvin
Hỗn hợp mogrosid trong quả la hán tạo ra vị ngọt cao hơn đường mía 300 lần. Rất thích hợp dùng làm thức uống cho người bệnh tiểu đường, béo phì…
Những tác dụng mà la hán quả mang lại cho sức khỏe
La hán quả được biết đến có tác dụng trong cả Y học cổ truyền và theo nghiên cứu của Y học hiện đại. Cụ thể, theo Y học cổ truyền, dược liệu la hán quả có vị ngọt, tính mát, không có độc, quy vào kinh Phế và Tỳ. Dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, nhuận tràng, nhuận phế, tiêu đàm, giảm ho, thông tiện.
Chủ trị các chứng như nóng trong người, táo bón, bí đại tiện, ho gà, ho có đờm, viêm họng, viêm phế quả, lao phổi, dị ứng,...
Với những thành phần hóa học được nêu ở trên, la hán quả theo nghiên cứu của y học hiện đại mang lại một số tác dụng như:
Chống oxy hóa: Chất mogrosid trong la hán quả có tác dụng chống oxy hóa cực mạnh, giúp làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ các tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do.
Ngăn ngừa béo phì, tiểu đường: Dược liệu này chứa hàm lượng calo khá thấp nên rất có lợi cho người bị béo phì, tiểu đường. Bên cạnh đó còn giúp làm giảm lượng đường trong máu, hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Thanh nhiệt, trị nóng trong, táo bón, kháng viêm: Quả la hán giúp làm mát cơ thể khi có biểu hiện nóng trong, táo bón. Ngoài ra, dược liệu này còn có đặc tính kháng viêm, giảm sưng đau ở vùng tổn thương.
Giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư: Trong quả la hán có chứa chất chống oxy hóa có khả năng ức chế, ngăn chặn không cho tế bào ung thư lan rộng.
Phòng chống nhiễm trùng: Tác dụng kháng khuẩn của la hán quả giúp chống nhiễm trùng không quá nghiêm trọng.
Cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi: La hán quả chứa chất ngọt tự nhiên giúp cung cấp năng lượng ào, giảm mệt mỏi sau khi lao động nặng nhọc.
Chống dị ứng: Các chất trong la hán quả có khả năng kháng histamin, giúp giảm ngứa, chống viêm do bị dị ứng.
Giải độc, kích thích tiêu hóa và làm mát máu: La hán quả có tính hàn giúp làm mát máu, giải độc gan, làm sạch đường ruột, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa.
Ngăn ngừa các bệnh lý về hô hấp và tim mạch: Uống nước quả la hán có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm thanh quản, ho gà, ho có đờm.
Dưỡng tóc, làm đẹp da: La hán quả giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cho da mịn màng và nuôi dưỡng mái tóc óng mượt.
Cách dùng và liều dùng quả la hán
La hán quả có thể được dùng với các cách khác nhau như dùng để nấu nước hoặc sắc thuốc uống hàng ngày.
Liều dùng thông thường được khuyến cáo an toàn là 9 – 15g quả khô hoặc 1-2 quả la hán mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe bạn đang gặp phải mà thầy thuốc có thể tăng hoặc giảm liều lượng cho phù hợp.
Một số bài thuốc từ quả la hán
Quả la hán được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để chữa các bệnh hô hấp (viêm họng, viêm thanh quản, ho gà…), bệnh lao, an thần, thanh nhiệt giải độc. Đặc biệt, la hán quả được sử dụng làm chất làm ngọt thay thế đường cho người bị tiểu đường, mỡ máu.
Bài thuốc chữa viêm họng bằng quả la hán
Quả la hán khô bổ cau hoặc bổ 4. Đem quả la hán hãm với nước sôi dùng thay được hàng ngày.
Tuỳ vào sở thích uống ngọt hay lạt có thể sử dụng từ 2-4 quả, hãm với 2-3 lít nước để uống hàng ngày. Kết hợp thêm với việc dùng chanh đào mật ong hoặc quất mật mong để viêm họng nhanh khỏi
Quả la hán chữa chứng viêm thanh quản (mất tiếng)
La hán 1 quả, thái miếng sắc lấy nước uống 2-3 lần trong ngày hoặc uống dần mỗi lần một ít.
Người bị viêm thanh quản muốn nhanh khôi phục tiếng nói cần sử dụng quả la hán và các thuốc tân dược tiêu viêm để đạt hiệu qủa cao. Nếu không muốn dung tân dược, có thể sử dụng chanh muối hoặc chanh đào mật ong đều được.
Chữa ho gà với la hán quả và hồng khô
Chuẩn bị bài thuốc chữa ho gà cần : La hán quả 1 quả chẻ cau, hồng khô 25g,
Đem 2 vị dược liệu này sắc lấy nước uống; dùng hàng ngày thay nước.
Có thể thay thế hồng khô bằng phổi heo: quả la hán 1 quả, phổi heo bóp hết bọt 40g, hầm nhừ, nêm gia vị ăn. Những người ăn chay hoặc không quen ăn phổi heo thì không nên dùng cách này.
Chữa ho đờm vàng quánh với bài thuốc từ quả la hán
Ho có đờm vàng quánh là do có nhiễm khuẩn, do vậy bài thuốc dùng quả la hán cần gia giảm thêm vị thuốc kháng viêm mạnh.
Sử dụng quả la hán 20g, tang bạch bì 12g. Đem 2 thứ này sắc lấy nước uống trong ngày. Sắc với 2 hoặc 3 lít nước. Có thể thêm la hán quả để tăng hương vị dễ uống
La hán quả trong điều trị lao giúp bổ phế, cải thiện triệu chứng lao
Trong bệnh lao phổi, quả la hán được sử dụng với 2 mục đích:
Bổ phế (hỗ trợ trong trị lao): La hán 60g, thịt lợn nạc 100g, hai thứ thái lát cho hầm cùng, nêm gia vị đủ, ăn cùng cơm.
Cải thiện các triệu chứng bệnh lao: la hán 50g, thịt lợn bằm 1 lạng. Xào chín thịt, cho la hán đã thái nhỏ vào. Thêm 1 tô nước để nấu làm canh. Nêm nếm vừa ăn dùng kèm với cơm. Ăn mỗi ngày 1 bữa tốt cho bệnh lao.
La hán giúp thanh nhiệt, giải độc, chứa táo bón
Trà la hán quả thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp: La hán làm sạch, bỏ lông sau đó hãm với nước sôi. Ủ 20 phút cho la hán tiết chất ngọt và hoạt chất. Dùng để uống hàng ngày
Nước la hán quả mật ong chữa táo bón: Dùng la hán sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.
Quả la hán thanh nhiệt giải độc, trị cảm nóng và khát: Lấy một quả la hán bổ đôi quậy đều trong nước sôi uống thay trà.
La hán quả chữa mất ngủ
La hán quả rất tốt cho những người mất ngủ kinh niên, mất ngủ vô căn do dược liệu này giúp an dịu thần kinh.
Quả la hán rửa sạch, bổ đôi hoặc 4, đun sôi với nước. Để nguội uống hàng ngày thay trà. Có thể sử dụng thêm 1 số loại dược liệu như tam thất và bạch quả sắc chung với la hán quả để uống giúp tăng hiệu quả an thần, ổn định huyết áp.
Chất ngọt trong quả la hán dùng làm đường thay thế cho người tiểu đường
Quả la hán có nhiều chất ngọt như hỗn hợp mogrosid ngọt gấp 300 lần đường mía. Nhờ vậy, la hán quả được dùng để thay thế đường trong đồ uống của người bị tiểu đường và tiền tiểu đường,
Cách làm: La hán quả khô dùng 2-3 quả, nấu với nước đến khi ra nước đặc hoặc cao lỏng. Khi nấu ăn hoặc làm đồ uống thì cho cao lỏng la hán quả vào thay đường. Rất thơm ngon lạ miệng mà lại tốt cho người tiểu đường.
Những trường hợp nên dùng và kiêng dùng quả la hán
Quả la hán nếu sử dụng sai đối tượng thì có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, khi có ý định sử dụng dược liệu này thì bạn cần nắm rõ những trường hợp nào nên dùng và tránh dùng để đảm bảo an toàn.
Những trường hợp nên và có thể dùng bài thuốc chữa bệnh từ quả la hán
Những bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, ho gà, ho có đờm.
Người mắc bệnh tiểu đường, người bị thừa cân và béo phì.
Những người có nhu cầu giải khát, thanh nhiệt cơ thể.
Người bị táo bón, đại tiện bí, nóng trong người
Người bị lao phổi, viêm họng, dị ứng,...
Những trường hợp cần kiêng dùng la hán quả
Những trường hợp sau đây không nên dùng hoặc cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng quả la hán làm thuốc chữa bệnh, đó là:
Người bệnh bị dị ứng với các thành phần hóa học có trong la hán quả hoặc bị dị ứng với các dược liệu có trong bài thuốc.
Người có thể tạng hàn (hư hàn) với biểu hiện sợ lạnh, đi ngoài phân lỏng, da tái nhợt, tứ chi lạnh,... thì không nên dùng quả la hán sẽ gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bí và trẻ nhỏ cần phải được tư vấn và chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng, nếu không thì không nên tự ý sử dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng quả la hán cần nắm rõ
Để sử dụng la hán quả đạt được hiệu quả tốt, phát huy hết công dụng của dược liệu thì người dùng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Không được tùy tiện sử dụng dược liệu, cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi sử dụng quả la hán làm bài thuốc chữa bệnh.
Không được lạm dụng sử dụng dược liệu quá nhiều có thể gây tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe.
Chú ý khi sử dụng bài thuốc chữa bệnh từ la hán quả thì người dùng cần kết hợp duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để đạt được hiệu quả tốt nhất theo mong muốn.
Nên lựa chọn mua dược liệu tại các đơn vị, cơ sở kinh doanh uy tín để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Không dùng quả la hán đã bị hư hỏng, mối mọt sẽ giảm tác dụng và có thể gây tác dụng phụ.