Rum biển là một dạng hải sâm, có hình thù tựa như con giun đất nhưng kích thước lớn hơn, miệng có xúc tu, tua rua, thân mũm mĩm. Đặc biệt, quanh mình con rum biển có nhiều chất nhớt, trơn. Các địa phương khác như Hà Tĩnh gọi là con mũm thùa, lùng tung, Thanh Hóa gọi là con bông, bông thùa,...Run biển là sản vật quý hiêm được xem là "thần dược" có ở một số vùng biển thuộc Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,...
Một ngư dân ở Nghệ An cho biết rum biển xuất hiện theo mùa dọc các xã bãi ngang tại huyện Diễn Châu như các xã Diễn Hải, Diễn Hùng, Diễn Kim... Chúng được các nhà hàng, quán ăn và nhiều khách tìm mua nên hàng có bao nhiêu cũng hết. Người dân nơi đây đã hình thành nghề săn rum biển mang lại thu nhập cao.
Để săn được rum biển, ngư dân phải ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ, bất kể mưa nắng, giá rét. Con rum chỉ xuất hiện từ khoảng đầu tháng 2 cho đến tháng 6. Rum biển có nhiều loại và sinh trưởng ở những độ sâu khác nhau. Loại nào càng ở dưới sâu thì càng quý hiếm và có giá bán rất đắt.
Từ khi trời tối mịt, ngư dân phải lặn xuống đại dương với độ sâu 50-70m, hai chân liên tục đạp nhẹ xuống cát để tìm dấu vết con rum. Rum biển thường nằm trong cát, chỉ lòi cái đầu nở như hoa. Mỗi khi cảm nhận được "con mồi", ngư dân phải thật nhanh tay, một tay nắm lấy thân rum, một tay thọc sâu đón bắt rồi nhanh chóng cho vào túi, nếu không nhanh sẽ dễ tuột khỏi tay vì nó rất trơn.
Nghề bắt rum cho thu nhập cao nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Do đó, yêu cầu của thợ săn rum phải có sức khỏe cực tốt, dẻo dai, bơi giỏi và chịu khó. Nếu lặn ở vùng biển sâu, thợ lặn phải canh thời gian để ngoi lên kịp thời. Dù có gặp trúng “ổ” rum cũng bắt buộc phải kéo lên, nếu không áp suất của nước sẽ làm cho thợ lặn bị tai biến, nhẹ thì bị liệt, còn nặng thì... bỏ mạng giữa biển. Còn với những người bắt rum gần bờ, nếu không may gặp dòng chảy xa bờ cũng rất dễ bị sóng cuốn chìm hoặc bị đẻn biển cắn, nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu như trước đây giá rum biển rất rẻ thì khoảng 5 năm trở lại đây, thứ đặc sản này được bán với giá lên tới 200.000 đồng/kg, đặc biệt rất đắt khách vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo chủ một nhà hàng hải sản ở huyện Diễn Châu cho biết: "Để có rum biển đều phục vụ khách, chúng tôi phải đặt thợ lặn từ trước. Nếu trước đây, nhà hàng chúng tôi thu mua được khoảng 5 - 7 yến rum mỗi ngày thì hiện nay chỉ khoảng 2 - 3 yến thôi.
Giá rum biển tăng cao là do rum biển trong tự nhiên ngày càng ít đi, hơn nữa cũng ít thợ lặn theo nghề hơn so với trước.
Rum biển sau khi mang về được sơ chế hết sức cẩn thận. Người ta đem rum ngâm nước ngọt khoảng 30 phút để xả mặn, sau đó dùng dấm chua hoặc chanh trộn thêm ít muối cho vào bóp đều, dùng dao cạo sạch nhớt và loại bỏ nội tạng, cát biển còn dính. Sau đó, đầu bếp phải khéo léo mổ rum để cắt bỏ những hạt trắng nhỏ trong khoang bụng, cuối cùng rửa thêm 1 lần nữa bằng nước gừng sả.
Từ rum biển có thể làm thành nhiều món ngon như om chuối đậu, xào thập cẩm,... Ngoài ra, người dân cũng lấy rum đem phơi khô, tán bột dùng dần. Giá bột rum rất cao, khoảng 1,5 triệu đồng/kg.
Theo y học, hải sâm - rum biển có vị mặn, tính ấm, vào hai kinh tâm và thận; tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo, chống lão hóa, giảm ho, tiêu độc, cầm máu... Theo kinh nghiệm dân gian, dù là rum biển phơi khô, tán bột hay ăn tươi đều là vị thuốc có tác dụng trị các bệnh về suy giảm khả năng sinh dục, tăng bản lĩnh đàn ông. Do đó, các món ăn từ rum biển được cánh mày râu đặc biệt ưa chuộng.
Xem thêm