Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt NamTrung Quốc tăng mua hạt tiêu Việt Nam, giá tiêu được dự báo tăng nóngThị trường hồ tiêu toàn cầu được dự báo sẽ diễn ra sôi động |
Thừa ủy quyền, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2023. |
Phát triển bền vững, toàn diện ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam
Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VIPO 2024) là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của ngành, nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại do Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận, chia sẻ thông tin thị trường xuất khẩu, xác định những cơ hội và thách thức, đánh giá năng lực sản xuất, chế biến và thương mại ngành hồ tiêu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, thúc đấy các mối quan tâm đối với việc phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị thế giới.
Theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), đây là lần thứ 4 Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế hồ tiêu và gia vị Việt Nam với chủ đề phát triển bền vững, toàn diện ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gia vị của Việt Nam, tăng kết nối thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu nội địa với người mua nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng như: Châu Âu, Hoa Kỳ, khu vực Trung Đông, các nước châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. |
Bà Liên chia sẻ: "Hy vọng, chúng ta sẽ được lắng nghe nhiều giải pháp phát triển bền vững qua hội nghị hôm nay, nhằm giảm tác động tới tự nhiên, và đáp ứng các yếu tố cân bằng khác về môi trường, xã hội. Ngoài việc kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, chúng tôi muốn giới thiệu đến cho doanh nghiệp, cho cộng đồng hồ tiêu nói riêng và cây gia vị Việt Nam nói chung hiểu được các yêu cầu của thị trường, định hướng của thị trường, từ đó có kế hoạch tổ chức sản xuất, rồi đến định hình thị trường xuất khẩu trong tương lai".
Trong lộ trình thúc đẩy nền kinh tế xanh mà Việt Nam theo đuổi, Chủ tịch VPSA kêu gọi doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa nhận thức trong vai trò đảm bảo sinh kế cho người dân, bởi đây là động cơ chính để nền kinh tế phát triển bền vững. VPSA đã và đang cố gắng lồng ghép những yếu tố bền vững trong tất cả các chuỗi cung ứng, đồng thời thu hút, tạo điều kiện và cung cấp các kỹ năng cần thiết để người nông dân vừa đáp ứng yêu cầu thị trường, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra.
"Phát triển bền vững cần thời gian lâu dài. Vì thế, doanh nghiệp cần lắng nghe nhiều hơn từ người dân, đồng thời chú trọng tới yếu tố cộng đồng, giúp người nông dân có thêm cơ hội trau dồi, trao đổi kinh nghiệm", người đứng đầu VPSA kết luận.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tính đa dạng với nhiều loại cây trồng có giá trị, trong đó hồ tiêu và cây gia vị đã góp phần không nhỏ vào GDP quốc gia, cải thiện sinh kế nông hộ và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu quế Việt Nam cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Tính đến nay, hồ tiêu và gia vị của Việt Nam xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Những điều này được Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Huỳnh Tấn Đạt tái khẳng định trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Quốc tế ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VIPO 2024) sáng 8/3. Ông cũng lưu ý, rằng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2023 tăng 16,6% về khối lượng, nhưng giảm 6% về giá trị.
Thẳng thắn thừa nhận nền nông nghiệp nước ta Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng hiện có, lãnh đạo Cục BVTV bày tỏ: "Sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún đã hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư khá lớn khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc, trong khi đa số các doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện vừa và nhỏ. Do đó, làm thế nào để thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như nhiều doanh nghiệp lớn đã làm trong thời gian gần đây luôn là thách thức không nhỏ".
Xây dựng được chuỗi cung ứng lành mạnh và bền vững
Giá trị xuất khẩu hồ tiêu trong 5 năm gần nhất. |
Dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi, giá sẽ tăng do sản lượng giảm, tồn kho hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt đặt ra vấn đề, làm thế nào để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nói chung và hồ tiêu nói riêng.
Đồng thời, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần sớm có hướng giải quyết những nút thắt liên quan tới tích tụ, tập trung ruộng đất, thực hiện cánh đồng mẫu lớn… Bởi đó là những vấn đề đặt ra trong quá trình đưa ngành nông nghiệp Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả, bền vững.
“Trong Tầm nhìn nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn thịnh vượng, sạch đẹp là ưu tiên chiến lược. Khoa học công nghệ và đầu tư sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam”- ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.
"Toàn ngành nông nghiệp phải toàn lực cố gắng, đồng thời phải gắn kết cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết hợp cùng công nghiệp và dịch vụ, trở thành những mũi nhọn dẫn dắt toàn nền kinh tế phát triển bền vững", Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh.
Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia. |
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc tổ chức Hội nghị VIPO 2024 giúp cụ thể hóa nhiệm vụ này. Đây là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, chia sẻ thông tin thị trường, cập nhật quy định mới của quốc gia nhập khẩu mà thông qua đó, VIPO 2024 còn nhằm kêu gọi tất cả các tác nhân trong trong ngành hồ tiêu và gia vị bao gồm các nhà xuất nhập khẩu, thương nhân, nông dân, các cơ quan chính phủ, các công ty tài chính, các tổ chức phi chính phủ … tăng cường hợp tác và phát triển; xây dựng được chuỗi cung ứng lành mạnh và bền vững, qua đó hỗ trợ hoạt động của Chính phủ trong vai trò kiến tạo và hiện thực hoá mục tiêu phát triển ngành gia vị Việt Nam bền vững, toàn diện trong thời gian tới.
Trong số các loại gia vị thì hồ tiêu Việt Nam đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Việt Nam hiện là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng và 60% thị phần, nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột,… xuất khẩu sang hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. |
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đánh giá, dù duy trì vị thế là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới cũng như sở hữu những như lợi thế nhất định, nhưng trong bối cảnh thị trường thế giới hiện nay, ngành hàng gia vị nói chung và hồ tiêu Việt Nam nói riêng cũng đang gặp phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đến từ biến động khó dự báo của thị trường cũng như những tác động không thuận lợi của tình hình thế giới; bất ổn chính trị, chiến tranh thương mại kéo theo hệ lụy về đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, sức mua giảm…
Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Tài, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hồ tiêu hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Đông… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các nước sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu và gia vị của Việt Nam để thay đổi và phát triển.
Ông Lê Hoàng Tài thông tin thêm, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành hồ tiêu và gia vị sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước.
“Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường ở trong và ngoài nước. Đặc biệt là phối hợp với Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ - Sippo triển khai xây dựng chiến lược phát triển thị trường bền vững và chiến lược truyền thông, phát triển thương hiệu cho ngành hàng hồ tiêu và gia vị đến năm 2030”- ông Tài cho hay.
Bộ NN&PTNT thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.041 USD/tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, xuất khẩu hồ tiêu đạt 35.000 tấn, với giá trị 143 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng nhưng tăng 12,9% về giá trị. Thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ, với tỷ trọng 29%. Một số chuyên gia nhận định, hồ tiêu đang bắt đầu vào chu kỳ tăng giá trong nhiều năm (thường kéo dài 10 năm). Bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng. Ngoài yếu tố nội tại, nguyên nhân khiến giá hồ tiêu Việt Nam tăng cao là Brazil đã qua mùa thu hoạch, trong khi chính vụ của Indonesia hay Malaysia phải chờ tới tháng 7. |