Xuất khẩu cá ngừ sang Canada đang tăng mạnh những tháng cuối năm Trung Đông chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam Khó khăn chồng chất xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng 58% |
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tiếp tục bứt phá
Xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô sang thị trường EU tăng gấp 317 lần. |
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tiếp tục bứt phá so với cùng kỳ năm 2023, với mức tăng 96%, đạt hơn 17 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường trong khối này đều tăng mạnh.
Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, VASEP cho biết, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô mã HS03 (trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304) tăng gấp 317 lần. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh, tăng gấp hơn 9 lần.
Điều này cho thấy những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do giữ EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo ra sức hút lớn cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong tháng đầu năm. Tháng 1/2024, cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 21 nước thành viên của EU. Trong đó, Italy, Đức và Hà Lan vẫn là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Hiện xuất khẩu sang cả 3 thị trường kể trên đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, đặc biệt là Italy.
VASEP cho biết, tại thị trường Italy, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng “phi mã” trong tháng đầu năm 2024, với mức tăng 364% so với tháng 1/2023. Italy hiện đang nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam.
Cùng với Italy, xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan cũng đang tăng mạnh. Nếu như tháng 1/2023, Việt Nam không xuất được mấy đơn hàng sang thị trường này, năm 2024 Ba Lan hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 trong khối với doanh số đạt hơn 1,6 triệu USD. Ngoài Ba Lan, xuất khẩu sang Thụy Điển, Bỉ và Cộng hòa Síp cũng đang tăng phi mã lần lượt là gấp 11 lần, gấp 2 lần và gấp 5 lần.
Các chuyên gia VASEP dự báo, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục tăng trong quý đầu năm do tác động của ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ khiến cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao sẽ kìm hãm nhu cầu tại các thị trường.
Hy vọng Việt Nam sẽ gỡ được “thẻ vàng” IUU trong năm 2024
Thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ. |
VASEP còn nhấn mạnh, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất...
Liên quan đến việc gỡ thẻ vàng, trao đổi với phóng viên, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ: “Sau 4 lần kiểm tra, EC vẫn đánh giá hướng đi của chúng ta rất đúng. Chúng ta rất tích cực, nhưng việc tổ chức thực hiện, đặc biệt ở các địa phương còn yếu. Vì vậy đợt này, có Chỉ thị của Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, không chỉ riêng các Bộ, ngành Trung ương. Điều quan trọng là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, các thành tố trong xã hội đều vào cuộc…”.
Theo đó, ông Tiến chỉ ra 3 vấn đề lớn của thẻ vàng IUU. Về quản lý và giám sát đội tàu, đầu tháng 3 này sẽ sửa xong Thông tư 23 với số lượng tàu 3 “không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) khoảng 16 nghìn chiếc sẽ được giải quyết bảo đảm được hồ sơ, bảo đảm được cấp phép, bảo đảm được đăng kiểm.
Hơn nữa, khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được triển khai sẽ có thêm công cụ để xử lý vi phạm, sẽ có phần mềm kết nối tất cả các thiết bị hành trình. Đây là 3 giải pháp để chúng ta quản lý, giám sát đội tàu.
Thứ hai, về truy xuất nguồn gốc, trên cơ sở khuyến nghị của EC, Việt Nam đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu, đã xử một vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài với mức 8 năm tù,...
Nếu xử lý nghiêm và có Nghị quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về án lệ thì Việt Nam sẽ có bước thực thi nghiêm túc hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Một việc nữa Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề cập là hệ thống văn bản để triển khai gỡ thẻ vàng IUU. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp tại Kiên Giang, tới đây sẽ có Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng sẽ trực tiếp triển khai nhiệm vụ này.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ: “Tôi hy vọng với những kết quả về IUU, Việt Nam sẽ gỡ được “thẻ vàng” IUU trong năm 2024 với nhiều cơ hội. Nếu qua năm 2024, châu Âu bầu cử lại chính quyền thì phải một vài năm họ mới đề cập đến việc này và chúng ta mất đi cơ hội”.