Giá một loại hạt của Việt Nam lập kỷ lục lịch sử, 2 tháng thu về 1,38 tỷ USD. |
Mức giá cao không ai nghĩ tới
Những ngày đầu tháng 3 này, giá cà phê ở nước ta tiếp đà tăng mạnh, liên tục lập kỷ lục mới.
Theo khảo sát vào ngày 5/3, giá cà phê nhân tại Tây Nguyên đồng loạt tăng từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, giao dịch khoảng 86.200 – 87.100 đồng/kg, đây là mức giá mà tại thời điểm diễn ra Hội nghị Cà phê Quốc tế châu Á (Coffee Outlook) lần thứ 27 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh không một ai nghĩ đến. Bởi khi đó, giá cà phê chỉ 60.000 đồng/kg nhưng được hội nghị nhận định: “Cà phê nhân ở Việt Nam chưa bao giờ có được giá cao như vậy”.
Cà phê Robusta được thu hoạch vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 hằng năm. Giai đoạn thu hoạch được chia thành nhiều đợt, có nơi cà phê chín muộn hơn thì thu hoạch vào khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Hiện nay, Tây Nguyên đã kết thúc niên vụ cà phê 2023-2024, nguồn cung giảm là một trong những nguyên nhân đẩy giá cà phê tăng cao. Ngày 05/3/2024, giá cà phê tại Tây Nguyên đồng loạt tăng từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, giao dịch từ 86.200 – 87.100 đồng/kg. Cụ thể, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 87.100 đồng/kg và tỉnh có giá thấp nhất là Lâm Đồng ở mức 86.200 đồng/kg.
Lý giải về nguyên nhân giá loại hạt “giàu vị đắng” này của Việt Nam lập kỷ lục lịch sử, chuyên gia cho rằng, một phần đến từ nguồn cung. Nước ta sở hữu vựa cà phê Robusta đứng đầu thế giới, song sản lượng năm nay dự báo giảm do ảnh hưởng bởi thời tiết, cùng với việc nhiều hộ dân bỏ cà phê chuyển sang trồng sầu riêng khiến giá tăng mạnh.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 2 vừa qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200 nghìn tấn, trị giá 655 triệu USD. So với tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng mạnh 50,3% về giá trị.
Lũy kế hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 438 nghìn tấn cà phê, thu về 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 1 tỷ USD chỉ sau 2 tháng.
Đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh. Trong tháng 2, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước đó và tăng mạnh 50,6% so với tháng 2/2023. Tính chung hai háng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines...
Nhiều địa phương đặt kế hoạch trồng cà phê
Nhiều địa phương đặt kế hoạch trồng cà phê. |
Theo dự báo của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023-2024 sẽ giảm 10% so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, giá cà phê Robusta được nhận định cao hơn tới 28% vào cuối năm. Trong khi sản lượng vụ tới ở Việt Nam sẽ giảm nhẹ. Điều này củng cố cho nhận định nguồn cung thời gian tới sẽ eo hẹp, đẩy thị trường tiếp tục đi lên.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình dự báo, giá cà phê niên vụ 2023 - 2024 sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Bởi đây là lúc các nhà rang xay trên thế giới mua tồn kho và nhu cầu sẽ càng tăng. Do đó, giá cà phê khó có cơ hội đi xuống, đáng chú ý là giá cà phê Arabica. Hiện giá cà phê Arabica từ mức 140cent/pound (70.000/kg) đã tăng lên 175 cent/pound (92.000/kg) và mức giá này sẽ tiếp tục tăng.
Còn theo ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk nhận định, với vị trí thuận lợi về logistic, là trung tâm cửa ngõ của châu Á, dư địa ngành nông sản hay cà phê của Việt Nam còn rất lớn và kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 10 tỷ USD trong 10 năm tới.
Trước những dự báo về tiềm năng kinh tế do cây cà phê mang lại, nhiều địa phương đặt kế hoạch trồng cà phê, trong đó, tỉnh Đắk Nông cũng đang tập trung xây dựng vùng cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). Đắk Nông cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cà phê đặc sản tỉnh đạt 1.000 hecta, với sản lượng cà phê nhân chọn lọc khoảng 530 tấn.
Theo Lao Động, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đạt 17 nghìn hecta, năng suất bình quân đạt từ 2-2,5 tấn cà phê nhân/ha; diện tích trồng tái canh cà phê đến năm 2025 khoảng 8 nghìn hecta; khoảng 70-90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận.
Hiện tại, Sơn La là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam sau Lâm Đồng. Năm 2023, diện tích cà phê Arabica của Sơn La đạt 20 nghìn hecta, trong đó diện tích được cấp chứng chỉ bền vững có trên 18 nghìn hecta (đạt 90% diện thích trồng cà phê). Sản lượng cà phê hàng năm ước 40.000-50.000 tấn nhân, trị giá 4.500-5.000 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương Gia Lai, năm 2023, diện tích cà phê cho thu hoạch tại tỉnh Gia Lai đạt 87 nghìn hecta, tập trung tại các huyện Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh.
Khối lượng xuất khẩu cà phê tỉnh Gia Lai năm 2023 ước đạt 240 nghìn tấn, trị giá 490 triệu USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của toàn tỉnh, tăng 1,27% về lượng, tăng 4,26% về giá trị so với năm 2022.
Giá nông sản hôm nay 2/3: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu quay đầu giảm |
Giá nông sản hôm nay 3/3: Cà phê và hồ tiêu duy trì đà tăng |
Giá nông sản hôm nay 4/3: Cà phê giữ ổn định, hồ tiêu liên tục tăng |