Việt Nam xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt sang 18 thị trường
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường. |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu được gần 1,87 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 9,38 triệu USD, tăng 6,3% về lượng và tăng 23,6% về giá trị so với tháng 1/2023. Đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông với 935 tấn, trị giá 5,75 triệu USD, tăng 28,4% về lượng và tăng 25,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Hồng Kông chiếm 50,03% về lượng và 61,28% về giá trị trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước.
Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu trong tháng 1/2024 chủ yếu là các chủng loại: Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu, bò tươi đông lạnh...
Trong đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 1,07 nghìn tấn, trị giá 6,27 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 20,8% về giá trị so với tháng 1/2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.865 USD/tấn, giảm 6,8% so với tháng 12/2023, nhưng tăng 10,1% so với tháng 1/2023. Thịt lợn, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Campuchia, Singapore, Malaysia và Lào.
Ở chiều ngược lại, tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 62 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá gần 128 triệu USD, tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 29,53% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước.
Cụ thể, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt hơn 18 nghìn tấn, trị giá hơn 55 triệu USD, tăng 184,9% về lượng và tăng 190,7% về giá trị so với tháng 1/2023. Trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Cơ hội xuất khẩu thịt gia cầm sang Trung Quốc
Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. |
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đầu năm 2024, Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu thịt gia cầm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thịt sang thị trường tiềm năng này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 22.450 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 110,35 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới, trong đó chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như: Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Bỉ, Papua New Guinea, Malaysia, Campuchia, Pháp, Hoa Kỳ…
Đặc biệt, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,88% về lượng và chiếm 54,44% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của cả nước với 9.630 tấn, trị giá 60,07 triệu USD, tăng 25,3% về lượng và tăng 41% về trị giá so với năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh...
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, năm 2023, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; thịt trâu, bò tươi đông lạnh…
Trong số đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt heo nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu nhiều nhất với 10.770 tấn, trị giá 63,35 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 24,7% về trị giá so với năm 2022. Thịt lợn tươi ướp lạnh, hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường: Hong Kong (Trung Quốc), Papua New Guinea, Malaysia, Lào, Campuchia, Lào, Singapore.
Cũng trong năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tăng mạnh, đạt 4.770 tấn, trị giá 12,04 triệu USD, tăng 136,1% về lượng và tăng 214% về trị giá so với năm 202; chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Papua New Guinea, Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).
Trước đó, trên cơ sở kết quả thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, ngay đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tăng cường hợp tác, tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.
Hai bên đã trao đổi, tháo gỡ được nhiều vấn đề mà hai bên đặt ra. Cụ thể, Trung Quốc sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp lý để ký trong thời gian sớm nhất 3 Nghị định thư bao gồm: Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu nuôi và Nghị định thư về xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc để phục vụ nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, Trung Quốc đồng ý xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam, đơn vị chức năng hai bên phối hợp làm các thủ tục để dỡ bỏ lệnh cấm. Hai bên cũng thống nhất phối hợp xử lý vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt và sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai nước.