Giá hồ tiêu liên tục tăng, tại sao nhiều nông dân vẫn chặt bỏ? Xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh ngay tháng đầu năm 2024 Giá lợn, hồ tiêu, cà phê đồng loạt tăng, nhà nông kỳ vọng một năm no ấm |
Trung Quốc tăng mua hạt tiêu Việt Nam, giá tiêu được dự báo tăng nóng. |
Thị phần hạt tiêu tăng lên gần 37%
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Indonesia là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2023, lượng đạt trên 4.000 tấn, trị giá 17,63 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 19,5% về trị giá so với năm 2022.
Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,1% trong năm 2022 xuống 44,09% trong năm 2023.
Trong khi đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong năm 2023, lượng đạt xấp xỉ 3.360 tấn, trị giá 13,23 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 1% về trị giá so với năm 2022.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 32,39% trong năm 2022 lên 36,57% trong năm 2023.
Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu hàng năm của Trung Quốc khoảng 65.000 - 70.000 tấn. Thông thường sau Tết Nguyên đán, Việt Nam vào kỳ thu rộ cũng là lúc thương nhân Trung Quốc tăng cường tìm kiếm nguồn hàng.
Năm 2023, Trung Quốc tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường Brazil, Malaysia, nhưng giảm từ Ấn Độ.
Năm 2024, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng so với năm 2023. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu hạt tiêu trên thế giới.
Theo số liệu tính toán từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này năm 2023 đạt 9.180 tấn, trị giá 39,75 triệu USD, tăng 4,5% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với năm 2022.
Giá tiêu tăng nóng
Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong năm 2023. |
Hồ tiêu Việt Nam đang trong vụ thu hoạch nhưng giá tăng liên tục. Ngày 22-2, giá hồ tiêu ghi nhận ở mức xoay quanh 90.000 đồng/kg, cao hơn hôm trước từ 1.500 – 2.000 đồng/kg và tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là vùng giá cao nhất của loại nông sản này trong 3 năm qua.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng - chủ trang trại 50 ha trồng cao su, bơ, hồ tiêu tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước - cho hay với mức giá hồ tiêu 90.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân lãi hơn 50%. Nếu nông dân canh tác hữu cơ, giảm giá thành thì lợi nhuận còn tốt hơn.
Tuy nhiên, diện tích hồ tiêu xung quanh khu vực của ông Hoàng đã giảm đến 40-50% do người dân chuyển đổi sang sầu riêng và không tái canh khi vườn hồ tiêu già cỗi, mắc bệnh. Đây cũng là một trong những lý do khiến hồ tiêu tăng giá.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng hạt tiêu tại Việt Nam năm 2023 đạt 115.000 ha, giảm 5.000 ha so với năm 2022, sản lượng 190.000 tấn.
Theo dự báo của Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2024 tiếp tục giảm 1,1%, tương đương giảm 6.000 tấn. Mức giảm này chủ yếu từ Việt Nam, trong khi đó, Brazil và Ấn Độ được dự báo tăng sản lượng trong năm 2024.
Tuy vậy, giá được kỳ vọng sẽ khả quan hơn sau Tết khi các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm đầu quý II hàng năm. Thêm vào đó, các thị trường khác cũng sẽ phải bắt đầu mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng, điều này có thể làm cho lượng hàng tồn cuối năm tiếp tục giảm.
Theo thống kê sơ bộ của VPSA, 15 ngày đầu tháng 2-2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5.687 tấn hồ tiêu, mang về giá trị 22,7 triệu USD, tính ra đơn giá khoảng 4.000 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong tháng 1, Việt Nam xuất khẩu được 20.000 tấn hồ tiêu, trị giá 79 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt mức 3.953 USD/tấn, tăng 14,8% so với tháng 1-2023.