Giá cà phê tăng mạnh
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 73.300 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 73.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 74.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 73.900 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 73.800 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 73.700 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 73.900 đồng/kg, 73.800 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 73.800 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 73.200 - 74.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 3/2024 tăng 92 USD/tấn, ở mức 3.220 USD/tấn, giao tháng 5/2024 tăng 71 USD/tấn, ở mức 3.038 USD/tấn. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 7,10 cent/lb, ở mức 192,25 cent/lb, giao tháng 5/2024 tăng 5,70 cent/lb, ở mức 187,55 cent/lb.
Năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% về lượng, nhưng kim ngạch tăng 4,6% lên mức kỷ lục 4,24 tỷ USD. Tại thị trường trong nước, giá cà phê đã lập đỉnh mới gần 71.000 đồng/kg ngay trong thời điểm thu hoạch vụ 2023-2024.
Tính đến tháng 1/2024, nhiều địa phương đã gần như hoàn tất việc thu hoạch cà phê của niên vụ 2023 - 2024.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết tính đến hết ngày 5/1, các địa phương trong tỉnh đã thu hoạch 523.930 tấn, đạt 96,1% kế hoạch.
Năm 2023 diện tích cà phê toàn tỉnh là 175.708 ha; diện tích kinh doanh là 163.520,8 ha; năng suất dự kiến 32,8 tạ/ha; sản lượng theo kế hoạch niên vụ 2023 trên 535.000 tấn.
Theo dự báo từ ngành nông nghiệp địa phương, mặc dù Việt Nam đã bước vào thu hoạch rộ cà phê niên vụ 2023-2024, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra, trong khi nhu cầu khá lớn.
Thông tin ước tính còn thiếu khoảng 1,5 - 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê hiện tại xuất hiện cuối năm ngoái đã làm giá cà phê tăng vọt.
Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Nông, một số địa bàn được mùa, năng suất cao hơn năm ngoái khoảng 10%. Tỉnh này có khoảng 140.000 ha cà phê, năng suất 2,8 tấn/ha với sản lượng khoảng 356.612 tấn/năm.
Tại tỉnh Đắk Lắk dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 có thể đạt 570.000 – 585.000 tấn, tăng từ 5 – 7% so với niên vụ trước. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, năm nay diễn biến thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng cà phê tương đối bảo đảm.
Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cao nhất trong vòng hai năm qua, lại đúng thời điểm thu hoạch nên niềm vui của người trồng cà phê được nhân lên.
Thời điểm trước khi vụ thu hoạch bắt đầu, Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA) dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024) giảm 10% so với niên vụ trước đó xuống khoảng 1,6 triệu tấn do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.
Cùng với giảm sản lượng, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới cũng ở mức thấp nhất qua các năm. Nếu như ở niên vụ 2022 - 2023, lượng tồn kho chuyển từ vụ trước đó là khoảng 160.000 tấn thì năm nay, con số này chưa bằng một nửa, khoảng 58.000 tấn.
Giá tiêu cao nhất 82.500 đồng/kg
Theo khảo sát, giá tiêu dao động trong khoảng 79.500 - 82.500 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm trong nước.
Theo đó, mức giá được ghi nhận tại hai tỉnh Đồng Nai và Gia Lai là 79.500 đồng/kg và 80.000 đồng/kg.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước, nông dân đang thu mua hồ tiêu với mức giá lần lượt là 81.500 đồng/kg và 82.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giữ ở mức 82.500 đồng/kg.
Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng ngành tiêu Việt Nam vẫn ghi nhận những kết quả hết sức tích cực.
Triển vọng thị trường hồ tiêu năm 2024 là tương đối tích cực khi giá mặt hàng này được dự báo sẽ tăng do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Thực tế cho thấy, giá tiêu trong đầu vụ 2023-2024 đang cao hơn 35-40% so với cùng kỳ niên vụ trước
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, sản lượng tiêu Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000-165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu.
Tại EU, quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu.
Vì vậy VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.
EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil rất nhiều, nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 thì diện tích hồ tiêu của Brazil vẫn chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng.
Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp khai báo cho phù hợp khi có yêu cầu.