Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng mang về giá trị trên 2,24 tỉ USD. |
Ngày 10/5, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị "Sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững", do Thứ trưởng Hoàng Trung chủ trì.
Tăng trưởng quá nóng
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết, diện tích trồng sầu riêng Việt Nam tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, nếu như năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000 ha thì đến cuối năm 2023 con số này đã hơn gấp đôi, lên mức gần 151.000 ha.
Cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Ước tính, có khoảng 50% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn. Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với trên 32.000 ha và vẫn đang tiếp tục tăng, trong khi định hướng của địa phương chỉ ở khoảng 22.000 - 25.000 ha. Ngoài những diện tích chuyên trồng sầu riêng, Đắk Lắk còn phần diện tích sầu riêng xen canh với nhiều loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, bơ… rất khó để thống kê chính xác.
“Những năm gần đây, giá sầu riêng cao nên tình trạng người người, nhà nhà đổ xô trồng sầu riêng, hoạt động thu mua, kinh doanh sầu riêng tại địa phương rất sôi động. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất, thu mua, xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk cũng hội tụ đủ các vấn đề từ tranh mua, tranh bán, bẻ kèo, bỏ cọc, vi phạm mã số vùng trồng… Địa phương cũng không thể cấm người dân trồng mới sầu riêng hay can thiệp vào các hoạt động mua bán giữa các bên, chỉ có thể đưa ra khuyến cáo ”, ông Vũ Đức Côn chia sẻ.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cũng cho biết, Tiền Giang là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 20.000 ha; trong đó có 15.000 ha đang cho thu hoạch. Hiện tại diện tích sầu riêng của tỉnh đã vượt quá quy hoạch đến năm 2025 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điều đáng nói là song song với việc tăng nóng về diện tích, tình trạng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng xảy ra liên tục. Thời gian qua, Tiền Giang đã có 39 mã số vùng trồng và 38 cơ sở đóng gói vi phạm bị cảnh báo, đang trong quá trình khắc phục. Công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không theo kịp với thực tế tăng diện tích và sản lượng cũng đặt mặt hàng sầu riêng trước rủi ro về xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung khẳng định, những năm qua, sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, tăng thu nhập cho người trồng, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương. Riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, mang về kim ngạch 2,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiệu ứng tăng xuất khẩu đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng. Cụ thể, theo định hướng của ngành nông nghiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 65.000 - 70.000 ha sầu riêng nhưng thực tế, chỉ sau 1 năm, diện tích sầu riêng cả nước đã tăng hơn gấp đôi.
Chất lượng bị buông lỏng
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, thế mạnh của sầu riêng Việt Nam là có mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm, sản phẩm đã bước đầu thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc và đang đàm phán xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, sản phẩm chế biến từ sầu riêng có nhiều dư địa phát triển. Chi phí sản xuất sầu riêng không quá cao.
Tuy nhiên, cây sầu riêng cũng đối mặt với không ít thách thức vì thị trường tiêu thụ hẹp, chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam phát triển muộn hơn và phải cạnh tranh trực tiếp từ Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia lân cận khác. Mặt khác, khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mức độ tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và dư lượng hoá chất của sầu riêng Việt Nam còn nhiều hạn chế. Công tác tổ chức chuỗi ngành còn hàng rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, việc tăng trưởng nóng về diện tích trong thời gian ngắn đang tạo ra nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung - cầu.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của nghị định thư từ cơ sở trồng đến đóng gói. Thậm chí nhiều tỉnh diện tích trồng sầu riêng lớn nhưng vi phạm quy định nhiều lần. Cụ thể có 115 mã số vùng trồng và 72 cơ sở đóng gói vi phạm quy định, trong số này có 35 mã số vùng trồng và 29 cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần, nguy cơ đối diện việc tạm ngừng xuất khẩu. Việc theo dõi quản lý cấp mã số cũng như giám sát các cơ sở này sau khi được cấp mã số đã được phân cấp về địa phương cấp tỉnh nhưng một số nơi buông lỏng quản lý.
"Các tỉnh có số lượng mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát thấp như Đắk Nông 0%, Bình Phước là 1,6%, Vĩnh Long 5%, Bình Thuận chỉ 12%, Hậu Giang 27%... Chỉ một số địa phương thực hiện khá tốt như Lâm Đồng đạt 100%, Gia Lai 75,9% và Đắk Lắk 72,1%. Việc thực hiện giám sát các cơ sở đóng gói cũng tương tự", ông Đạt thông tin.
Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững. |
Cần tăng cường quản lý, giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói
Nguyên nhân hàng đầu khiến cho nhiều lô hàng sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm là việc giám sát mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ở nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện tốt. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý, giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói ở các tỉnh trồng sầu riêng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu số lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc cảnh báo.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, đề xuất, cần xây dựng, triển khai chương trình giám sát an toàn thực phẩm mang tính dài hạn trên quy mô vùng, theo hướng các địa phương có sầu riêng sẽ triển khai chương trình giám sát tại địa phương. Các địa phương không trồng sầu riêng nhưng lại có cơ sở đóng gói sầu riêng thì cũng phải triển khai giám sát cơ sở đóng gói. Đồng thời xây dựng một cơ sở dữ liệu liên thông toàn quốc về an toàn thực phẩm, về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, về việc vi phạm đối tượng kiểm dịch thực vật… của doanh nghiệp, chủ mã số vùng trồng, để có thể truy xuất kịp thời, đồng thời hình thành cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các địa phương với Cục Bảo vệ thực vật trong việc triển khai giám sát.
Đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu cũng đang là một yếu tố được Bộ NN-PTNT, các địa phương và doanh nghiệp quan tâm, vì các nước trồng sầu riêng lớn trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia đang ráo riết tăng cường chất lượng để cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, chia sẻ, trước đây, Thái Lan quy định độ bột với trái sầu riêng xuất khẩu là 32%. Sau khi thấy sầu riêng Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc, Thái Lan đã nâng quy định về độ bột lên 35% và đang hướng tới một quy định mới là 37%.
Để đảm bảo chất lượng sầu riêng, một trong những điều kiện tiên quyết là sầu riêng phải được thu hoạch đúng tuổi, không được thu hái sầu riêng non. Về vấn đề này, bà Tường Vy kiến nghị cần phải có chế tài để khiến cho nông dân luôn phải thu hoạch sầu riêng đúng tuổi. Ai thu hoạch sầu riêng non thì sẽ bị xử phạt.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, thu hoạch sầu riêng đúng tuổi hay không, hiện phụ thuộc chủ yếu vào thương lái và những người làm nghề thu hoạch sầu riêng. Do đó, cần có giải pháp nâng cao sự hiểu biết, tay nghề cũng như ý thức nghề nghiệp của những đối tượng này.
Còn theo ông Vũ Phi Hổ (Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên), không chỉ khâu thu hoạch, tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sầu riêng, từ trồng trọt đến thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ, nếu làm không tốt thì đều ảnh hưởng tới chất lượng sầu riêng. Vì vậy, phải tăng cường giám sát, làm tốt tất cả các khâu để đảm bảo chất lượng sầu riêng Việt Nam.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh, đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay để sầu riêng Việt Nam đứng vững được trên thị trường thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc, trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Thái Lan, Malaysia…
Theo đó, trước tình trạng tăng trưởng “nóng” về diện tích sầu riêng ở nhiều tỉnh và trên cả nước trong thời gian qua, các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các địa phương rà soát lại những vùng trồng sầu riêng xem những nơi nào phù hợp để tiếp tục phát triển cây trồng này, rà soát lại toàn bộ quy trình canh tác sầu riêng. Đặc biệt, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi, tiêu chuẩn này phải mang tính pháp lý để có cơ sở cho các cơ quan thẩm quyền, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm.
Các địa phương phải tăng cường giám sát tất cả các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để chất lượng của các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói luôn được duy trì, khẩn trương xác minh, khắc phục những sai sót ở các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị cảnh báo. Đồng thời thúc đẩy việc hình thành các chuỗi giá trị sầu riêng bền vững trên địa bàn.
Chưa công bố nguyên nhân 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi “do phải điều tra thêm” |
Kẹo dừa sầu riêng lá dứa |
Sầu riêng Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Trung Quốc nếu phát triển bền vững |