Chưa công bố nguyên nhân 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi “do phải điều tra thêm”. Ảnh Linh Đan |
Chưa có kết luận 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi
Thời hạn mà Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp báo cáo, xác định nguyên nhân việc sầu riêng nhiễm Cadimi là trước ngày 1/4. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật cho biết vẫn chưa có kết luận.
Tuy nhiên, sáng 11/4, một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết đơn vị đang tổng hợp các báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo nhiễm cadimi vượt ngưỡng.
Theo lãnh Cục Bảo vệ thực vật, kết luận cuối cùng về nguyên nhân việc sầu riêng nhiễm Cadimi vẫn chưa có "do phải điều tra thêm".
"Ngay khi có kết quả, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức họp báo" - lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Tiền Giang cho biết đơn vị đã truy xuất nguồn gốc 2 lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm cadimi vượt ngưỡng và gửi các hồ sơ liên quan, báo cáo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để báo cáo Cục Bảo vệ thực vật.
Theo vị này, từ vùng trồng cho đến cơ sở đóng gói sầu riêng doanh nghiệp kiểm soát được nhưng vấn đề là dư lượng cadimi thì ngoài chức năng của doanh nghiệp và đơn vị cũng không nắm được quy định.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ NN&PTNT, nói về nguyên nhân sầu riêng nhiễm Cadimi, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, có thể sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng trong quá trình canh tác như: đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng.
"30 lô hàng này là do phía Trung Quốc thông báo lại sau khi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng con số 30 lô trên tổng số 35.000-40.000 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc là "chưa ảnh hưởng tới xuất khẩu", tuy nhiên đây là cảnh báo để chúng ta chủ động rà soát trong thời gian tới.
Cadimi xuất hiện chủ yếu ở trong phân bón DAP
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - cho rằng việc đại diện Cục Bảo vệ thực vật đưa ra các nguyên nhân có thể sầu riêng nhiễm cadimi rất có vấn đề.
Theo ông Nghĩa, nếu nói nhiễm cadimi có thể do khí thải ngoài môi trường, tại sao mấy chục năm nay nông sản Việt Nam không bị mà nay lại phát hiện ra các lô sầu riêng nhiễm cadimi. Còn nói có thể do nguồn nước càng nguy hiểm hơn vì chứng tỏ ở khu vực đó ô nhiễm cực kỳ nặng.
Dưới góc độ chuyên gia ngành bảo vệ thực vật, ông Nghĩa khẳng định, cadimi xuất hiện chủ yếu ở trong phân bón DAP và người dân rất ưa sử dụng loại phân bón này để bón cho sầu riêng bởi nó giúp tăng trưởng nhanh và đặt câu hỏi: Tại sao Cục Bảo vệ thực vật không dám đề cập để khả năng quan trọng nhất này?
Theo ông Nghĩa, vào năm ngoái, các chuyên gia và dư luận đã cảnh báo Cục Bảo vệ thực vật về việc xuất hiện các lô hàng phân bón DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc vượt dư lượng cadimi tuồn vào Việt Nam. Các lô sầu riêng xuất khẩu bị nhiễm cadimi vừa qua lại trùng với thời gian nhập phân bón DAP Hàn Quốc.
Ông Nghĩa cho rằng, ngay lúc này, Cục Bảo vệ thực vật cần khẩn trương và thẳng thắn công bố rõ nguyên nhân, đặc biệt cần thông tin trước dư luận về kết quả kiểm tra các lô hàng phân bón DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc thời điểm đó.
"Hàng chục nghìn tấn phân bón này nhập khẩu, doanh nghiệp lúc đó thu hồi bao nhiêu tấn và còn bao nhiêu tấn đã tiêu thụ, sử dụng ở khu vực nào để khẩn trương khoanh vùng và cảnh báo tới người dân. Cadimi là chất khó phân hủy trong đất, nếu không xử lý kịp thời sắp tới hệ lụy sẽ rất phức tạp chứ không đơn giản như vài chục lô sầu riêng bị cảnh báo”, ông Nghĩa nói.
Họp báo thường kỳ quý I của Bộ NN&PTNT. |
Thông báo vi phạm sầu riêng không ngừng tăng
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2023 Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 595.000 tấn sầu riêng.
Đến hết tháng 2-2024, Việt Nam đã xuất được hơn 41.000 tấn (xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022).
Đến nay, sầu riêng của Việt Nam cũng đã khẳng định được chất lượng sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Năm 2023, chúng ta chiếm gần 32% thị phần tại thị trường Trung Quốc và chỉ đứng sau Thái Lan (chiếm 68% thị phần).
Còn hai tháng đầu năm nay, nhờ có lợi thế trái vụ, lượng xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã vượt Thái Lan.
Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật cũng cảnh báo việc sử dụng mã số trái phép, không đúng quy định và không tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu đã gây ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời cũng ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng sầu riêng.
Nhiều cơ sở đóng gói không mua sản phẩm từ vùng trồng đã được cấp mã số, không mua sản phẩm từ vùng trồng liên kết đã được cấp mã số vẫn diễn ra, ảnh hưởng lớn đến việc truy xuất nguồn gốc khi lô hàng gặp vấn đề.
Đồng thời, các thông báo vi phạm vẫn không ngừng tăng. Tình trạng này nếu không được cải thiện sẽ dẫn đến việc nâng cao rào cản kỹ thuật, thậm chí là có nguy cơ đánh mất thị trường vừa mới được mở cửa đối với mặt hàng sầu riêng.