Sầu riêng Phong Ðiền đối mặt tình trạng mua bán non Giá sầu riêng bất ngờ giảm mạnh, thương lái rơi vào thế khó Chưa công bố nguyên nhân 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi “do phải điều tra thêm” |
Sầu riêng Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Trung Quốc. |
708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép xuất khẩu
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.
Hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Trong đó, tỉnh Tiền Giang, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” sầu riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số; tiếp theo là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước có số lượng mã số được cấp phép lần lượt đạt 96, 68 và 65.
Trong khi đó, địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép ít nhất là Trà Vinh và Phú Yên với 1 mã số mỗi địa phương, Sóc Trăng có 3 mã số, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kon Tum mỗi địa phương có 5 mã số.
Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.
Theo quy định của Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc.
Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài việc giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Trong khi sầu riêng Việt Nam chỉ mất khoảng 2 ngày vận chuyển sang thị trường Trung Quốc thì Thái Lan mất 7 ngày. Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam có lợi thế cả về giá bán. Tuy nhiên, Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, nước này cũng đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào - Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển.
Philippines đang cung cấp sầu riêng ra thị trường từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Dù mới tham gia xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng số lượng từ nước này cũng lên gần 100.000 tấn. Với sầu riêng tươi từ Philippines, chất lượng khá vượt trội nên năm nay Việt Nam tiếp tục đối đầu với nhiều đối thủ mạnh.
Ở phân khúc cao cấp, Malaysia đã xuất khẩu múi sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ 2011. Ngoài các đối thủ này, về dài hạn, thị trường Trung Quốc sẽ còn có sầu riêng nội địa.
Hiện kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng. Nhu cầu xuất khẩu tăng cao khiến giá bán tăng cao, diện tích trồng sầu riêng cũng tăng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208 ha, đến đầu năm 2024 đã là 62.173 ha, tăng gần 15.000 ha. Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 ha sầu riêng, tăng hơn 19.200 ha chỉ sau một năm.
Dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới. Để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi các nhà vườn, doanh nghiệp bên cạnh việc mở rộng diện tích, cần tập trung nâng cao chất lượng, cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.
Cần tránh “tham bát bỏ mâm”
Xây dựng uy tín ngành hàng sẽ giúp mở rộng thị trường. |
Ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt sầu riêng trái vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan.
Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh.
Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm gia nhập thị trường 1,4 tỉ dân này.
Hết năm 2023, diện tích sầu riêng của Việt Nam khoảng 110.000ha, sản lượng khoảng 900.000 tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018).
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Lê Anh Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho ngành hàng sầu riêng. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, Hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Đắk Lắk. Đồng thời để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, cần đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các bên trong chuỗi liên kết; xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng; test mẫu trước khi thu hoạch; kiểm tra vùng trồng và năng lực của các cơ sở đóng gói để sàng lọc rủi ro. Trong số đó, test mẫu trước khi thu hoạch là yêu cầu tất yếu, giúp người dân chứng minh được năng lực hàng hóa, đảm bảo quyền lợi chung cho nông dân và doanh nghiệp, giảm gian lận trong sản xuất và kinh doanh sầu riêng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương phân tích, năm 2023 - sau 1 năm xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt trên 2,2 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, chưa có ngành hàng nào trong thời gian ngắn có thể đạt được. Để tận dụng cơ hội và phát triển ngành hàng sầu riêng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như làm tốt xây dựng vùng trồng theo hướng tập trung, ngăn ngừa việc phát triển diện tích tràn lan; xây dựng mã số vùng trồng, tuân thủ các quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm; tổ chức chuỗi liên kết sản xuất thực chất; tạo điều kiện phát triển chế biến sâu, đa dạng sản phẩm từ sầu riêng. Tỉnh sẽ sớm hoàn thiện Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã mất nhiều thời gian và công sức để trái sầu riêng tươi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Để ngành hàng này phát triển lâu dài, các địa phương phải duy trì được sự tuân thủ đối với các quy định của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng uy tín ngành hàng sẽ giúp mở rộng thị trường, các địa phương cần chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, cùng chia sẻ lợi nhuận để thúc đẩy phát triển ngành hàng sầu riêng.
Ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh, trong quá trình xuất khẩu, xuất hiện những trường hợp vi phạm và nhận cảnh báo của nước nhập khẩu. Khi nhận được thông báo, quan trọng nhất phải phối hợp xác định nguyên nhân của các vi phạm để có giải pháp khắc phục, bổ sung thêm biện pháp kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu, tránh lặp lại những vi phạm.
Cùng với đó, để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm ở tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hóa; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, gian lận mã số; ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng dữ liệu tập trung; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự như thợ cắt sầu riêng, kỹ thuật viên. Một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các nhân tố trong ngành hàng, tránh “tham bát bỏ mâm”, “bất tín” làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng tỷ đô này.