Sầu riêng Việt Nam soán ngôi Thái Lan tại Trung Quốc và lời cảnh báo 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi Sầu riêng bổ dưỡng nhưng ai không nên ăn? Giá sầu riêng tăng cao, thương lái vào tận vườn tìm mua |
Sầu riêng Phong Ðiền đối mặt tình trạng mua bán non |
Giá sầu riêng tăng cao kỷ lục
Hơn một tuần qua, thương lái liên tục vào tận vườn tìm mua sầu riêng với mức giá cao. Ghi nhận tại nhiều địa phương như Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, sầu riêng Ri 6 phục vụ xuất khẩu đang được thương lái thu mua với giá 120.000-130.000 đồng/kg; sầu riêng Thái từ 180.000-210.000 đồng/kg.
Với sầu riêng Monthong, loại A (2.7 hộc nặng 2-5 kg) có giá 218.000-230.000 đồng/kg, loại B (2.5 hộc) có giá 195.000-200.000 đồng, còn loại C là trên 100.000 đồng một kg. Mức giá này tăng 15% so với cùng kỳ và tháng trước đó. Đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Bà Lý Thị Thu Thủy (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ), cho biết vườn sầu riêng 1,5ha của gia đình bà đang bắt đầu chín. Hiện thương lái đã đến đặt tiền cọc mua với giá 130.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri 6 loại 1. Mức giá này cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 50.000 đồng/kg. “Khu vườn của tôi có 1,5ha với sản lượng hơn 35 tấn trái; xem như năm nay trúng đậm bạc tỉ…”, bà Thủy vui mừng.
Cũng được thương lái liên tục hỏi mua, bà Nguyễn Thị Hạnh (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết sầu Thái năm nay tiếp tục sốt giá vì nguồn cung ít hơn mọi năm. Năm ngoái, gia đình bà thu hoạch 4 tấn sầu trái vụ, năm nay chỉ còn 3 tấn. "Ảnh hưởng của thời tiết, hạn mặn khiến cây rụng lá, thiếu chất, chất lượng ra hoa giảm nên năng suất đi xuống", bà Hạnh nói. Mặc dù năng suất giảm, song giá sầu riêng đang ở mức cao nên sau khi trừ chi phí, bà vẫn còn lời nhiều. “Sầu riêng giờ đã thành niềm vui chung của nhà vườn”, bà Hạnh chia sẻ.
Thương lái ồ ạt mua sầu riêng non
Gần 1 tháng trở lại đây tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ xuất hiện tình trạng thương lái thu mua sầu riêng non, kém chất lượng, xử lý hóa chất để chín trái, sau đó đem đi tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của địa phương. Trước thực trạng này, huyện Phong Điền đã yêu cầu các xã, thị trấn nắm chặt tình hình mua bán sầu riêng và khuyến cáo người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm để đạt chất lượng cao nhất.
Theo ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng của người dân, khi này thương lái sẽ đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với người dân. Khi đến ngày thu hoạch thương lái sẽ cắt trái khoảng 5% diện tích, sau đó chèn ép nông dân để hạ giá từ 20 đến 30%, nếu người dân không bán thì thương lái bỏ cọc.
Ông Huỳnh Văn Hoảnh chia sẻ, nếu sầu riêng đã cắt một đợt trái mà muốn bán cho thương lái khác thì giá lại tiếp tục giảm từ 30 đến 35% so với giá đã thỏa thuận trước đó. Như vậy, thua thiệt tiếp tục thuộc về người dân, điều này vô tình đã làm ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu trái sầu riêng của địa phương.
Theo ngành chức năng huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, hiện nay thương lái vào tận vườn đặt cọc mua sầu riêng của người dân vẫn diễn ra. Tuy nhiên, đến khi sầu riêng đến ngày thu hoạch thì không thấy thương lái, lúc này người dân mòn mỏi chờ đợi thương lái. Số tiền đặt cọc của thương lái không nhiều so với thiệt hại mà các nhà vườn phải gánh chịu. Đây có thể được xem là hình thức làm nhiễu thị trường, gây thiệt hại kinh tế cho một nhà vườn và xa hơn là ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng của địa phương.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, thời gian qua có nhiều thương lái vào địa bàn để thu mua sầu riêng, có những thương lái không rõ nguồn gốc thu mua sầu riêng ở các nơi khác nhưng sau đó nói thu mua sầu riêng tại Phong Điền, vô tình đã làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sầu riêng tại địa phương. Có những trường hợp thương lái thu mua sầu riêng kém chất lượng, sầu riêng non để đưa đi xuất khẩu.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, để tránh thiệt hại cho người dân và mất uy tín sầu riêng của địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nắm chặt diễn biến tình hình mua bán sầu riêng và khuyến cáo người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm. Đối với doanh nghiệp đã đăng ký thu mua sầu riêng tại địa phương thì cần ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ và thực hiện đúng các nội dung đã cam kết với người dân:
Ông Nguyễn Trung Nghĩa nói: "Có những thương lái chưa rõ nguồn gốc đến mua sầu riêng rất là nhiều và hiện nay trên các mạng xã hội mua sầu riêng kém chất lượng, đặc biệt là sầu riêng non để bán xuất khẩu. Huyện cũng yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra hết các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn. Nếu là doanh nghiệp phải có tên tuổi, giấy phép đăng ký kinh doanh được vào địa bàn, còn nếu mà sắp tới mua sầu riêng không rõ nguồn gốc thì coi như huyện không cho mua sầu riêng. Ví dụ như sản xuất sầu riêng ra của người dân mà coi như thương lái không rõ, đi mua đi bán ở đâu không biết, không rõ chất lượng nói là sầu riêng Phong Điền làm ảnh hưởng xấu thì chúng tôi phải có biện pháp quản lý làm sao đảm bảo cho người dân an tâm trong viên sản xuất cũng như an tâm trong việc mua bán sắp tới, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và lấy được tên tuổi sầu riêng của Phong Điền để xuất khẩu".
Giải pháp bảo vệ thương hiệu sầu riêng Phong Ðiền
Trong định hướng phát triển các loại cây ăn trái, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con phát triển một số loại cây ăn trái đặc sản có thế mạnh của địa phương như vú sữa, nhãn… Ðồng thời khuyến cáo hạn chế việc mở rộng diện tích một số loại cây trồng như sầu riêng. Tuy nhiên, do tâm lý phổ biến của bà con nông dân, hiện nay diện tích sầu riêng vẫn tiếp tục được mở rộng. Toàn thành phố có khoảng 4.600ha trồng sầu riêng.
Thời gian qua, diện tích sầu riêng trên địa bàn thành phố mở rộng rất nhanh do giá trị đem lại rất lớn; thu nhập người trồng sầu riêng rất cao so với các loại cây trồng khác. Do đó, những khuyến cáo chưa đem lại hiệu quả. Hiện nay, cả nước diện tích sầu riêng đã trên 120.000ha và tiếp tục mở rộng. Thấy được nguy cơ đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến cáo bà con không nên thay thế những cây trồng khác bằng cây sầu riêng. Ðồng thời chỉ trồng sầu riêng ở những vùng có lợi thế, đảm bảo hình thành được vùng sản xuất tập trung để đủ điều kiện cấp mã vùng trồng phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu.
Ðể hạn chế rủi ro cho việc tiêu thụ sầu riêng trong thời gian tới, ngành tập trung nhiều giải pháp để kết nối các vùng trồng được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu; tập trung các giải pháp để thu hút doanh nghiệp xây dựng các cơ sở đóng gói trên địa bàn. Ðồng thời, khuyến cáo bà con thực hiện các giải pháp chăm sóc, nâng cao chất lượng và không thu hoạch trái non, thực hiện tốt các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Ðề nghị các ngành có liên quan, các địa phương quan tâm kêu gọi hỗ trợ phát triển lĩnh vực chế biến, bảo quản sầu riêng nói riêng và các sản phẩm cây ăn trái nói chung trên địa bàn theo các quy mô phù hợp. Ðối với những sản phẩm có quy mô lớn thì thúc đẩy phát triển chế biến theo hướng công nghiệp, những sản phẩm có quy mô nhỏ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến gắn với chương trình OCOP để vừa giải quyết một phần sản lượng, vừa giải quyết việc làm, vừa tạo ra sản phẩm đặc trưng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, kinh tế nông thôn gắn với chương trình du lịch nông thôn.