Sầu riêng trái vụ bán tại kho được doanh nghiệp mua với giá 218.000-230.000 đồng một kg. |
Ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, ba ngày nay sầu riêng tăng giá liên tục. Mỗi kg sầu Monthong loại A (2.7 hộc nặng 2-5 kg) có giá 218.000-230.000 đồng một kg (tùy vựa), loại B (2.5 hộc) có giá 195.000-200.000 đồng, còn loại C là trên 100.000 đồng một kg. Mức giá này tăng 15% so với cùng kỳ và tháng trước đó. Đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Với Ri 6 hàng loại A, giá là 160.000 đồng một kg, loại C là 70.000 đồng. Loại này không có biến động nhiều so với cùng kỳ.
Một chủ vườn sầu riêng ở Bến Tre cho biết, tháng trước, ông vừa bán một tấn sầu Thái xô cả vườn giá 110.000 đồng một kg. Hiện, ông còn khoảng 2 tấn trái mùa sắp cho thu hoạch trong tuần tới. "3 ngày nay thương lái liên tục muốn đặt cọc giá 130.000-140.000 đồng một kg xô nhưng tôi chưa bán", chủ vườn kể.
Ông Lân ở Cần Thơ cho biết sầu Thái năm nay tiếp tục sốt giá vì nguồn cung ít hơn mọi năm. Năm ngoái, gia đình ông thu hoạch 4 tấn sầu trái vụ, năm nay chỉ còn 3 tấn. "Ảnh hưởng của thời tiết, hạn mặn khiến cây rụng lá, thiếu chất, chất lượng ra hoa giảm nên năng suất đi xuống", ông Lân nói.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty sầu riêng Vạn Hòa, cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sầu Thái tại các nhà vườn giảm 20-30%. "Nguồn cung đang rất khan hiếm, giá loại A đạt đỉnh 230.000 đồng một kg nhưng không dễ thu mua", đại diện công ty trên nói.
Sầu riêng đã qua thời giá rẻ. Khảo sát tại các chợ Hà Nội, cơm sầu riêng vọt lên 850.000 đồng/kg, ở mức giá này chỉ các gia đình khá giả mới dám mua ăn.
Cơm sầu riêng tại chợ Hà Nội vọt lên 850.000 đồng/kg. |
Cơm sầu Ri6 tươi hàng VIP giá 850.000 đồng/kg, hàng đông lạnh cũng đã lên tới 550.000 đồng/kg. Theo anh, đây là mức giá đắt nhất từ khi anh buôn bán sầu riêng. Dù vậy, có những thời điểm anh vẫn không thể nhập hàng về bán vì khan hiếm.
Tại các cửa hàng ở Hà Nội, cơm sầu riêng Ri6 và Monthong được bán với giá dao động từ 550.000-850.000 đồng/kg, sầu nguyên trái giá 220.000-280.000 đồng/kg. Mức giá này áp dụng với hàng bao đổi nếu cơm sầu sượng.
Các chủ cửa hàng cho biết, thời điểm này sầu riêng về “nhỏ giọt” do nghịch mùa. Một số cửa hàng phải tạm thời ngừng bán vì giá quá cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức cao nhất từ đầu mùa đến nay, hơn trung bình nhiều năm và xâm nhập sâu trên 5-15 km. Dự báo, mùa khô năm nay sẽ còn hai đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nhưng độ mặn sẽ thấp hơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự đoán từ tháng 5 trở đi nguồn hàng dồi dào trở lại, giá mặt hàng này sẽ ổn định.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 172 triệu USD, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc dẫn đầu, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng.
Không chỉ sầu riêng tươi nguyên quả, các dạng sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ đông lạnh đang được đẩy mạnh quá trình mở cửa thị trường Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đang yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đây là quá trình hoàn tất thủ tục để ký nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh sang Trung Quốc.