Chuyên gia lý giải nguyên nhân giá sầu riêng giảm mạnh 3 tháng đầu năm, Trung Quốc chi 228 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam Sầu riêng Việt Nam đối mặt áp lực cạnh tranh từ sầu riêng Thái Lan |
Phá bỏ cây trồng truyền thống để trồng sầu riêng. Ảnh Nhandan.vn |
Phá bỏ cây trồng truyền thống để trồng sầu riêng
Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam, thì giá thu mua loại trái cây này đã tăng rất cao. Điều này khiến nhiều nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng truyền thống như: Hồ tiêu, cà phê, điều để chuyển sang trồng sầu riêng.
Nhận thấy cà phê già cỗi, năng suất thấp, anh Tùng quyết định phá bỏ cà phê trồng sầu riêng kết hợp chanh leo. Anh lắp hệ thống tưới tự động để 3 ngày tưới 1 lần. Để tránh gió lớn khiến cây đổ ngã, anh mua bao chắn gió.
"Qua theo dõi thì một số vùng đất xấu hơn khu vực tôi mua nhưng sầu riêng vẫn phát triển được nên tôi vẫn hy vọng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro và lấy ngắn nuôi dài, tôi đã kết hợp trồng chanh leo cùng lúc" - anh Tùng cho hay.
Theo Cục Trồng trọt, trong Quy hoạch Trồng trọt đề ra định hướng đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Thế nhưng, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước vào khoảng 110.000ha, tăng khoảng 25.000ha so với năm 2021. Với thực trạng này, diện tích sầu riêng đã vượt khoảng 35.000ha so với quy hoạch. Trong đó, diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, đã lên đến hơn 40.000 ha. Trong 5 tháng đầu năm nay, diện tích trồng mới cây sầu riêng tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã cho sầu riêng Philippines xuất sang nước này. Điều này đang khiến nông dân Đông Nam Á bước vào cuộc chạy đua trồng sầu riêng để tranh giành một thị trường xuất khẩu gần như là duy nhất: Trung Quốc.
Nhận thấy sẽ phải cạnh tranh với 2 “đối thủ” là Việt Nam và Philippines, lấy mất đi vị thế “độc tôn” của Thái Lan, hiện Thái Lan đã đề ra giải pháp ứng phó để giữ thị trường, với việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu (chất khô tối thiểu phải đạt 35%, thay vì 32% như năm ngoái). Thái Lan cũng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ, đường sắt quá cảnh qua Lào để rút ngắn thời gian, gia tăng chất lượng nhằm cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam và các nước khác.
Tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), lo ngại việc diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nông dân. Hàng chục ngàn ha sầu riêng đang được trồng vội vã hôm nay sẽ cho thu hoạch ổn định vào 5 - 6 năm tới, khi đó không biết thị trường và giá sầu riêng sẽ ra sao? Nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng cung vượt cầu như đã từng xảy ra đối với nhiều loại cây trồng khác, khi đó nông dân sẽ lại phải gánh nhận hậu quả vì chạy theo biến động thị trường.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với sự gia tăng nhanh diện tích như hiện nay, sầu riêng cũng đứng trước các nguy ý cơ "cung vượt cầu". Thị trường tiêu thụ khó khăn do phụ thuộc vào Trung Quốc, được mùa mất giá... như các ngành hàng khác trong thời gian vừa qua (thanh long, mít...). Lo ngại nhất là sự chuyển đổi sang trồng sầu riêng tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong sản xuất như: Cây không sinh trưởng tốt; chất lượng trái không đảm bảo... người dân khó thu hồi vốn trong khi chi phí đầu tư cho cây sầu riêng là rất lớn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong thời gian đi thực tế tại nhiều vùng, có những khu vực người dân trồng sầu riêng ngay cả trên những vùng không phù hợp, không hiệu quả với loại cây này. Có những vùng tuy không bị nước mặn đe doạ, nhưng lại có nguy cơ bị lũ ảnh hưởng. Hoặc có những vùng buộc phải đóng cống để ngăn mặn, khi đó phèn từ dưới đất sẽ xì lên ảnh hưởng đến cây trồng.
Còn theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, tiềm năng của trái sầu riêng Việt Nam hiện còn dư địa để phát triển rất lớn. Theo thống kê, tổng diện tích sầu riêng cả nước khoảng hơn 80.000 ha, tuy nhiên trên thực tế diện tích này có thể đã đạt 100.000 ha. Trước thực tế người dân ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng trong thời gian qua, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại cho rằng, việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng nếu không được kiểm soát tốt sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực. Một vấn đề rất nguy hiểm nữa là nông dân thiếu kinh nghiệm khi chuyển từ cây lúa sang cây ăn trái nên sẽ gặp khó khăn. Ngay cả việc chọn giống cây trồng, nông dân mua giống sầu riêng trôi nổi, không rõ nguồn gốc không đảm bảo chất lượng nên khi trồng sẽ không hiệu quả.
Cần phải quan tâm đến tất cả các khâu của chuỗi cung ứng sầu riêng, trong đó khâu sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Giải bài toán tăng trưởng cho ngành hàng sầu riêng
Duy trì sự tăng trưởng về thị trường nói chung và xuất khẩu nói riêng cho ngành hàng sầu riêng là vấn đề đặt ra cho nhà quản lý cũng như giới thương mại. Khi thị trường biến động, xuất khẩu gặp trục trặc sẽ tác động tiêu cực đến nhiều đối tượng, nhất là nông dân trồng sầu riêng.
Chính vì vậy, cần phải quan tâm đến tất cả các khâu của chuỗi cung ứng sầu riêng, trong đó khâu sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thị trường về quy cách sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, trước và sau thu hoạch; thực hiện tốt khâu truy xuất nguồn gốc, có mã vùng trồng, mã nhà đóng gói… là giải pháp căn cơ để tạo lòng tin lâu dài và góp phần vào việc duy trì thị trường xuất khẩu sầu riêng lâu bền.
Nhu cầu thị trường Trung Quốc đối với trái sầu riêng còn có xu hướng tăng, song sắp tới đây việc cạnh tranh giữa sầu riêng sản xuất từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào… với sầu riêng của Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc và các yêu cầu trong Nghị định thư.
Nhà vườn và doanh nghiệp cần sát cánh bên nhau, liên kết chặt chẽ và cùng nhau thực hiện các hoạt động, các khâu công việc theo quy trình sản xuất sầu riêng đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Nếu trái sầu riêng của Việt Nam không chú trọng cải thiện về chất lượng, mẫu mã và đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc thì sẽ tự làm khó cho mình, sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này.
Ngoài thị trường Trung Quốc, các nước khác cũng có nhu cầu nhập khẩu sầu riêng, tùy thuộc vào từng thị trường có khác nhau về số lượng và hàng rào kỹ thuật. Một số thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… sẽ là thách thức lớn cho sầu riêng khi nhập khẩu vào các thị trường này.
Nhà vườn trồng sầu riêng cần tuân thủ vùng trồng được khuyến cáo, không nên mở rộng diện tích tại các vùng không đáp ứng điều kiện đất đai, tưới tiêu nước, thời tiết khí hậu…. Vùng ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt nếu không có biện pháp khắc phục thì không nên trồng sầu riêng vì sẽ đạt hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển cây sầu riêng theo hướng hình thành vùng tập trung, có đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến và thương mại sầu riêng. Đồng thời, tăng cường sản xuất sầu riêng trái vụ là giải pháp quan trọng để chiếm lĩnh thị trường trong các tháng từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm; bởi lẽ đây là thời gian khá khan hiếm sản lượng sầu riêng thu hoạch và cung ứng cho thị trường của nhiều nước trên thế giới.
Ngay tại Việt Nam, cũng chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long là có lợi thế hơn cả so với các vùng trồng còn lại trong sản xuất sầu riêng trái vụ. Hoàn thiện quy trình sản xuất sầu riêng trái vụ cho các tiểu vùng trồng, vẫn đảm bảo năng suất, duy trì tuổi thọ cho cây sầu riêng và an toàn thực phẩm là vấn đề cốt lõi trong sản xuất sầu riêng trái vụ.
Về lâu dài, sầu riêng Việt Nam cần đa dạng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu đi nhiều thị trường sẽ làm giảm áp lực cho thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường không ổn định cho nhiều loại trái cây trong những năm qua. Đa dạng sản phẩm sầu riêng bao gồm sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy, bột sầu riêng… là hướng đi cần quan tâm để các sản phẩm sầu riêng của Việt Nam có thể tiếp cận và xâm nhập nhiều thị trường trên thế giới.
Cùng với đó là tăng cường chế biến sầu riêng nhằm giảm áp lực cho sầu riêng tươi khi rộ mùa, nhất là vào các tháng chính vụ. Cho dù xuất khẩu sầu riêng tươi hay chế biến thì điều kiện cần là phải quản lý được chất lượng trái sầu riêng, đây là bài học của các nhà cung cấp trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng trong việc giữ được uy tín trong xuất khẩu.
Việc tăng cường khâu liên kết giữa nông dân trồng sầu riêng thành các tổ chức nông dân như hợp tác xã…; đồng thời, xây dựng kết nối bền chặt giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp, để từ đó hình thành các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, có uy tín trong xuất khẩu.
Sầu riêng Phong Ðiền đối mặt tình trạng mua bán non |
Giá sầu riêng bất ngờ giảm mạnh, thương lái rơi vào thế khó |
Chưa công bố nguyên nhân 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi “do phải điều tra thêm” |