Trung Quốc chi 228 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam. Ảnh Hoàng Nam |
Sầu riêng tiếp tục là trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong tháng 3 đạt 17.950 tấn, trị giá 80,5 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lũy kế đến hết quý I/2024, xuất khẩu sầu riêng vẫn đạt gần 57.000 tấn với trị giá thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, sầu riêng tiếp tục là trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đóng góp 17% giá trị doanh thu toàn ngành rau quả.
Trong đó, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu là sầu riêng tươi và 8,5% là sầu riêng đông lạnh. Còn lại là tỷ trọng nhỏ các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như: Sầu riêng sấy khô, nước ép sầu riêng, kem sầu riêng...
Trong tháng 3, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.480 USD/tấn, giảm 5,1% so với tháng 2, nhưng tăng 13,8% so với tháng 3/2023. Tính chung quý I, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.437 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Về thị trường tiêu thụ, sầu riêng của Việt Nam vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong quý đầu năm với khối lượng đạt 51.500 tấn, trị giá hơn 228 triệu USD, tăng 57,5% về lượng và tăng 71% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm đến 90% tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đứng thứ hai là Thái Lan với 18 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7% thị phần.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao trong quý đầu năm như: Nhật Bản (tăng 83%); Hàn Quốc (tăng 61%); Bồ Đào Nha (tăng 71%); đặc biệt Hà Lan tăng tới 787,5%... Ngược lại, Hong Kong giảm 81,9%; Mỹ giảm 62,4%...
Quý I/2024, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,28 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lần đầu tiên trong quý 1 các năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD.
Sự gia tăng của mặt hàng sầu riêng đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD trong quý I.
Làm gì để có thể phát triển bền vững sầu riêng?
Duy trì sự tăng trưởng về thị trường nói chung và xuất khẩu nói riêng cho ngành hàng sầu riêng là vấn đề đặt ra cho nhà quản lý cũng như giới thương mại. Khi thị trường biến động, xuất khẩu gặp trục trặc sẽ tác động tiêu cực đến nhiều đối tượng, nhất là nông dân trồng sầu riêng.
Phát biểu tại Diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này.
Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, Bộ trưởng mong muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau.
Bộ trưởng cho rằng, muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Nông nghiệp của chúng ta manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cần tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.
Để tiếp tục duy trì vị thế xuất khẩu tỷ USD trong tương lai, sầu riêng Việt Nam cần duy trì tốt chất lượng, tránh tăng trưởng quá nóng và chỉ tập trung vào số lượng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khuyến cáo, các hộ nông dân đang trồng sầu riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đảm bảo chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang Trung Quốc, để sầu riêng Việt Nam có thể đứng vững ở thị trường này.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, ngoài câu chuyện đảm bảo chất lượng ngay từ trong nước (thông qua đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có mã vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm yêu cầu đóng gói…), sầu riêng Việt Nam cần ý thức được vấn đề phải cạnh tranh với đối thủ đến từ các quốc gia khác. Do đó, không chỉ tập trung xuất khẩu sầu riêng tươi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh và chinh phục khách hàng.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Sầu riêng bổ dưỡng nhưng ai không nên ăn? |
Giá sầu riêng tăng cao, thương lái vào tận vườn tìm mua |
Sầu riêng Phong Ðiền đối mặt tình trạng mua bán non |