Mì Quảng - Món ngon trứ danh của ẩm thực miền Trung Quảng Nam đề nghị đưa nghề chế biến mì Quảng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Cởi “nút thắt” cho phát triển dược liệu tại Quảng Nam |
Nét độc đáo của "chợ chiều năm ngàn"
Chợ chiều 5 ngàn ra đời đã kích thích sự tò mò của nhiều người và nó đã dần trở thành một thương hiệu riêng của Tây Giang. |
Trước đây, khu chợ chỉ là một bãi đất trống bên đường, khiến bà con gặp nhiều khó khăn khi trời mưa gió. Thấy được nhu cầu của người dân, chính quyền huyện Tây Giang đã xây dựng một khu chợ khang trang rộng gần 200m², với cột sắt, mái lợp tôn, tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng. Nhờ có mái che, việc buôn bán của bà con thuận lợi hơn rất nhiều.
Trước đây chợ chưa được xây dựng, bà con chỉ biết mang hàng nông sản bày bán bên đường. |
Chợ mới không chỉ phục vụ người dân xã A Tiêng mà còn thu hút nhiều hộ dân từ các xã lân cận như Anông, Lăng, Bhalêê, hay thậm chí các xã biên giới xa xôi như Tr’hy và xã vùng thấp như Avương. Họ mang theo các loại rau củ, sản vật đến đây bán, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Để khuyến khích bà con, chính quyền đã quyết định không thu bất kỳ khoản thuế nào liên quan đến hoạt động buôn bán tại chợ.
Tên gọi “năm ngàn” bắt nguồn từ việc hầu hết các mặt hàng được bán với một mức giá thống nhất là 5.000 đồng, không mặc cả. Chính cách bán hàng đơn giản này đã tạo nên nét đặc trưng cho khu chợ. Điểm đặc biệt là tất cả các sản phẩm đều sạch, được người dân tự tay hái từ rừng hoặc trồng tại vườn nhà mà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ sản phẩm sạch và mang đậm bản sắc văn hóa, chợ ngày càng thu hút khách hàng.
Người bán hàng tại chợ là những người Cơ Tu chân chất, chủ yếu là phụ nữ. Nhiều người bán hàng nơi đây chưa học hết lớp 5, thậm chí không biết chữ hoặc không nói rành tiếng phổ thông. Ban đầu, họ khá lúng túng, nhưng chỉ sau vài ngày, mọi thứ trở nên quen thuộc.
“Chợ chiều năm ngàn” không chỉ là nơi buôn bán
Bên góc chợ Tết 5 ngàn của bà con Cơ Tu. |
Trước đây, chợ họp vào lúc 5 giờ chiều, nhưng do nhu cầu mua bán tăng cao, thời gian họp chợ được chuyển lên từ 7 giờ 30 sáng. Ban đầu, các sản phẩm chỉ là rau, củ, quả như rau dớn, rau lang, măng tươi, nhưng dần dần, các sản vật có giá trị cao hơn như mật ong, rượu ba kích, rượu Tà Vạt, thổ cẩm, và gùi mây cũng được bày bán. Giá các mặt hàng này có thể lên tới vài trăm nghìn đồng, giúp cải thiện thu nhập cho bà con.
Hiện nay, “chợ chiều năm ngàn” không chỉ là nơi buôn bán mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách khi ghé thăm huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Chợ mang lại trải nghiệm độc đáo và cơ hội khám phá các sản vật vùng cao. Chính quyền địa phương cũng đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này đến các xã khác, giúp người dân có thêm cơ hội đưa sản phẩm đặc sản ra thị trường, nâng cao thu nhập.
Sự ra đời của chợ năm ngàn không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu mua bán mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc thay đổi tư duy của người Cơ Tu. Từ thói quen chỉ làm nương rẫy, họ dần bước vào ngành nghề mới là buôn bán – một công việc mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn.
Đồng thời, chợ còn góp phần phát triển du lịch và các dịch vụ đi kèm, tạo nên một thương hiệu riêng cho Tây Giang. Với sự độc đáo và giá trị văn hóa, “chợ chiều năm ngàn” không chỉ là nơi giao thương mà còn là biểu tượng của sự thay đổi, phát triển bền vững của cộng đồng người Cơ Tu trên vùng cao Tây Giang.