Hành lá: Gia vị quen, vị thuốc quý Cây rẻ quạt - Bí quyết chữa bệnh từ thiên nhiên Cây mỏ quạ - Đặc điểm, tác dụng và cách dùng |
Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: BQN |
Nhiều tiềm năng về phát triển dược liệu
Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nguồn tài nguyên thực vật phong phú, đa dạng, có tiềm năng, lợi thế phát triển dược liệu.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, năm 2002, trên địa bàn tỉnh hiện ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam". Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ.
Nhiều cây thuốc quý có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, chủ yếu mọc tự nhiên và phân bố khá đồng đều, rộng khắp ở các huyện miền núi của tỉnh như: Mật nhân, Ka'cun (huyện Đông Giang); sâm Ngọc Linh, quế (Nam Trà My); thất diệp nhất chi hoa, đinh lăng, gừng, tà vạt (Nam Giang)…
Nếu như Bắc Trà My được biết đến như địa danh của "hương rừng đất Quảng" với diện tích cây quế Trà My vào loại bậc nhất tỉnh, thì Tây Giang - xứ sở của cây ba kích, đẳng sâm được đánh giá đảm bảo cả chất lượng và số lượng với hàng trăm ha đang được khoanh vùng và nhân rộng phát triển theo dạng bán tự nhiên tại các nương rẫy. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu được thống kê vào khoảng 2.471 ha, trong đó chủ yếu là ở các huyện miền núi của tỉnh.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đang có sự hội tụ của đầy đủ các yếu tố trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu của miền Trung, kết nối với hai trung tâm công nghiệp dược liệu miền Bắc và miền Nam để tạo ra thế kiềng ba chân trong việc phát triển công nghiệp dược của cả nước.
Cụ thể, Quảng Nam có địa hình khá đa dạng, núi cao, hướng dốc từ tây sang đông và từ bắc xuống nam đã tạo ra tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt về thành phần, chủng loại cây dược liệu. Bên cạnh đó, rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% đất tự nhiên, là nơi dự trữ nguồn dược liệu phong phú, nơi có môi trường thuận lợi cho nhiều loài dược liệu phát triển.
Đặc biệt hiện giá trị kinh tế của các cây dược liệu đem lại rất cao so với trồng các cây lương thực khác. Trên thực tế, giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa).
Thí dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; cây Actiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng trong cả nước.
Về hạ tầng giao thông, Quảng Nam đã tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông đường bộ theo trục Bắc–Nam, Đông-Tây cùng hệ thống sân bay và cảng biển đang dần hoàn thiện sẽ là đòn bẩy đưa kinh tế-xã hội của Quảng Nam tiếp tục bứt phá.
"Với tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp dược liệu, ngày 27/3/2022 trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương giao Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam", ông Hồ Quang Bửu cho biết.
Những kế hoạch đường dài
Gấc là một trong những loại cây dược liệu được Quảng Nam ưu tiên phát triển. Ảnh: C.N |
Trước thị trường đầu ra cho cây dược liệu còn bấp bênh, không ổn định, chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô thông qua thương lái, các điểm thu mua nhỏ, lẻ; thời gian trồng dược liệu dài, tốn nhiều chi phí chăm sóc, công sức bảo vệ nên chưa khuyến khích, thu hút nhiều người dân tham gia đang là nút thắt cho mục tiêu phát triển cây dược liệu tại địa phương.
Bên cạnh đó, mặc dù Quảng Nam đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, song doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, do suất đầu tư lớn, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vận chuyển khó khăn, thiếu kết nối liên vùng…; thủ tục, hồ sơ thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phải thông qua nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều khâu. Tuy nhiên đến nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến cây dược liệu vẫn còn hạn chế.
Việc phát triển cây dược liệu cần phải có quy hoạch chặt chẽ, không nên thực hiện đại trà mà phải phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, vùng, có giá trị và lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, tiêu thụ tránh tình trạng phát triển tràn lan, được mùa mất giá. Cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, doanh nghiệp khi xây dựng các điểm thu mua, nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, liên kết sản xuất với người dân và cam kết thu mua sản phẩm dược liệu sau khi thu hoạch để giải quyết tốt vấn đề đầu ra của sản phẩm gắn với thị trường.
Với tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp dược liệu, ngày 27/3/2022 trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương giao Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam.
Cùng với đó, dự kiến, đến năm 2030 Quảng Nam quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu đạt hơn 64 nghìn ha và ban hành danh mục 30 loại cây dược liệu ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng sẽ nâng tầm ngành công nghiệp dược liệu bằng việc hình thành, hoàn thiện tổ chức các sản phẩm theo chuỗi cho 9 loài dược liệu. Hệ thống các nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu sẽ được phát triển tại các vùng sinh thái tập trung.
Sau năm 2025, Quảng Nam cũng hình thành một nhà máy chiết xuất dược liệu. Sớm hoàn thành đầu tư và đưa vào sản xuất nhà máy sản xuất dược phẩm tại Cụm công nghiệp Đại An (Đại Lộc) với số vốn khoảng 145 tỷ đồng.
Theo quy hoạch dự kiến, Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng tại huyện Nam Trà My 1 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia. Cạnh đó xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, phân tích dược liệu để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Từ nền tảng này sẽ dần hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu ở Quảng Nam với các sản phẩm chính như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm tiêu dùng…
Bên cạnh phát triển cây dược liệu trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã chọn hướng đi tập trung, chủ lực cho cây sâm Ngọc Linh thông qua Đề án phát triển sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) đến năm 2030 của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đề án, địa phương sẽ gắn việc sản xuất sâm Ngọc Linh với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương, phát huy bản sắc, văn hóa bản địa tại địa phương.
Bên cạnh đó, Quảng Nam đã đầu tư xây dựng sàn thương mại điện tử sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản trên địa bàn nhằm giới thiệu, quảng bá và giao sản phẩm đến tay khách hàng trên cơ sở giám sát và quản lý bởi các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, được cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm.
Quảng Nam cũng đã lên kế hoạch tổ chức giới thiệu “Văn hóa sâm” tại quận Hamyang - Hàn Quốc; đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh đi trưng bày tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu với du khách quốc tế. Đặc biệt là mở Trung tâm giao dịch sâm Ngọc Linh tại Hàn Quốc - thủ phủ sâm ở khu vực châu Á.
Cây quả nổ - vị thuốc đông y quý nhưng không hiếm |
Lào Cai đẩy mạnh phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững |
Cúc la mã - Dược liệu cổ xưa đa công dụng |