Bất ngờ, lá gói bánh chưng cũng là loại dược liệu để chữa bệnh Mò hoa trắng - "Cây thuốc quý" mọc hoang quanh nhà Cây bàng - Loài cây gắn liền với ký ức tuổi thơ còn có tác dụng chữa bệnh |
Đặc điểm của cây sấu
Cây sấu có tên gọi khác là sấu trắng, long cóc, tên khoa học: Dracontomelum duperreanum Pierre, thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Sấu là thuộc cây gỗ to cao từ 30 – 40 m, cây sống lâu năm. Thân cây có bạnh lớn, vỏ thân có màu nâu, cành non to mập.
Lá cây có tán tròn, rậm rạp xum xuê, lá mọc kiểu kép so le với nhau bao gồm 19 đến 23 lá chét mọc đối hay mọc so le. Lá có gốc lệch, đầu nhọn, nếu lá ở gần gốc có chiều dài 5 – 6cm, rộng 1 – 2cm, ở ngọn lá dài 10 đến 14cm, rộng 3 – 4cm. Mặt trên và mặt dưới lá đều nhẵn, mép lá nguyên và có mùi thơm khi vò nát ra.
Hoa mọc thành chùm từng cụm, có kích thước ngắn hơn lá, trên hoa có lông, lá bắc to thuôn hình mác và có lông dạng mi. Hoa lưỡng tính, kích cỡ nhỏ, mẫu 5, có màu trắng lục hơi nhạt, nhị 10, lá đài có lông và cánh hoa nhẵn.
Quả hạch, có hình cầu, khi chín quả có màu vàng hay màu vàng cam, cùi của sấu giòn, chua chứa một hạt to.
Mùa ra hoa thường vào tháng 5 – 7, mùa quả vào tháng 8 – 10.
Sấu có thể dùng tươi, phơi khô hoặc làm mứt. Sấu phơi khô cần được bảo quản ở nơi thoáng gió, độ ẩm vừa phải để tránh ẩm mốc. Sấu làm thành tương hoặc mứt cần được bảo quản trong lọ kín, tránh hư hỏng và côn trùng.
Sấu không chỉ là món ngon thường có trong bữa cơm gia đình Việt trong những ngày hè mà còn là dược liệu rất tốt trong chữa bệnh. Lá, vỏ và quả Sấu được ứng dụng để làm dược liệu điều trị bệnh.
Cây phân bố chủ yếu tập trung ở các vùng nhiệt đới Chân Á.
Ở Việt Nam, sấu hoang thường mọc ở vùng rừng nửa rụng lá, ở nơi có đất đỏ hoặc có độ cao trung bình từ 200 – 600 m. Sấu hoang thường phân bố ở Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Bình, vùng đồng bằng ven biển và cao nguyên ở Trung Bộ.
Sấu cũng thường được trồng ở nhiều nơi tại miền Bắc. Cây thường được trồng ở nơi có đất cát pha để lấy bóng mát và thu hoạch quả.
Sấu ít gặp ở vùng thượng du Nam bộ.
Thành phần hóa học
Trong mỗi quả Sấu chín có chứa khoảng 80% nước, 1% axit hữu cơ, 1.3% Protid, 2.7% Cellulose, 0.8% tro, 100mg% Calcium, 44mg% Phosphor, 8.2% Glucid, 3mg% Vitamin C và một lượng sắt vừa đủ.
Theo y học cổ truyền
Quả sấu xanh có vị chua hơi chát. Khi chín quả sấu có vị ngọt, chua, tính mát. Sấu thường được sử dụng để tiêu thực, giải khát, kiện vị sinh tân.
Trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…
Bài thuốc sử dụng cây sấu
Chữa ho cho trẻ em
Lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.
Điều trị nôn nghén, khó chịu ở phụ nữ mang thai
Cách 1: Phụ nữ mang thai hay nôn ói, lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt dùng ăn kèm cơm.
Cách 2: Sử dụng quả sấu xanh mang đi ngâm với đường dùng uống cũng hỗ trợ giảm nôn ói, khó chịu.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không dùng sấu quá thường xuyên hoặc quá nhiều. Điều này có thể làm tăng đường huyết ở phụ nữ mang thai.
Chữa say rượu
Dùng 4 – 6g cùi quả sấu sắc lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi mà uống.
Chữa lở ngứa
Lá sấu rửa sạch, sắc lấy nước để chữa mụn loét, hoại tử, vết thương lâu lành.
Tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng
200g quả sấu tươi đã cạo vỏ đem hấp với đường, khi dùng pha với nước uống trong ngày. Ngày uống 2 - 3 lần.
Hoặc có thể dùng quả sấu để nấu canh chua với thịt nạc băm hoặc thái miếng nhỏ mỏng, món này vừa dễ làm, bổ dưỡng có thanh nhiệt và kích thích tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
Chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng
Lấy từ 4 – 6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong 1 tuần liền. Hoặc có thể lấy quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.
Trị bỏng bằng sấu
Sử dụng vỏ sấu rửa sạch, giã nát bôi lên vết bỏng có thể làm mát da và hỗ trợ làm lành da.
Tăng cường tiêu hóa với sấu
Cách 1: Dùng sấu hấp với đường phèn để làm nước giải khát uống trong ngày.
Cách 2: Sử dụng quả sấu để nấu canh chua ăn ngay trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng cây sấu làm thuốc
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, sấu có vị chua, đặc biệt là sấu xanh nên không phải thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân không nên dùng sấu tươi hoặc các loại đồ uống, món ăn có nhiều sấu. Người bình thường hạn chế ăn sấu khi đang đói vì có thể gây cồn cào trong bụng, làm tổn thương dạ dày.
Trẻ em dưới 12 tuổi cần tránh ăn nhiều sấu bởi hệ tiêu hóa của bé còn nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng do hàm lượng axit trong sấu.
Vào mùa hè, dù có yêu thích món nước sấu ngâm đến đâu, bạn không nên dùng nhiều loại đồ uống này vì chúng chứa hàm lượng đường rất cao. Nếu uống nhiều sẽ làm tăng đường huyết, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch…
Cây lưỡi rắn - Loại cỏ mọc hoang với nhiều công dụng chữa bệnh |
Cây cơm cháy - Món quà quý giá từ thiên nhiên |
Cây tần bì - Món quà quý giá từ thiên nhiên |