Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 2/2023 tăng 1,9% so với tháng 1/2023 và tăng 11,5% so với tháng 2/2022, đạt 2,29 tỷ USD. Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2023 kim ngạch đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt 1,96 tỷ USD, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2022; xuất sang Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 536,64 triệu USD, chiếm 11,8%, tăng 12,8%; tiếp đến thị trường Hàn Quốc đạt 505,09 triệu USD, chiếm 11,1%, tăng 4,1% và sang Canada đạt 138,95 triệu USD, chiếm 3%, giẩm 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 6%, đạt trên 277 triệu USD, giảm 11% so với 2 tháng đầu năm 2022.
Theo dự báo, nhu cầu thế giới về các sản phẩm ngành dệt may năm 2023 sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2022, ở mức gần 700 tỷ USD. Việc sụt giảm này không chỉ gây ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới các nước trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm khá rõ rệt từ tháng 10/2022.
Thị trường EU và Nhật Bản vẫn giữ tỷ lệ tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng thấp hơn hẳn so các tháng trước đó. Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 47 tỷ USD trong năm 2023 do tận dụng một số ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, ngành đang đối diện nhiều khó khăn khi bước vào mùa vụ bông mới, sản lượng tăng nhưng mức tiêu thụ giảm khiến giá bông giảm. Dự kiến, giá bông sẽ dao động từ khoảng 2,1 đến 2,3 USD/kg trong quý I/2023; nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, sợi tồn kho nhiều làm tăng chi phí lưu kho, dòng vốn lưu động bị tắc nghẽn, đồng thời cũng tăng áp lực làm giảm giá bán sợi.
Ngành may tiếp tục chịu áp lực giảm đơn hàng trung bình từ 25% đến 27% do sức mua toàn cầu giảm. Đặc biệt, lực lượng lao động của ngành có xu hướng giảm vì tình trạng đơn hàng chưa được phục hồi và cạnh tranh gay gắt với các ngành công nghiệp khác.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang khẳng định, để ngành dệt may phát triển bền vững, sớm đạt mục tiêu đề ra, ngành sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để giải quyết phần cung thiếu hụt; đồng thời xây dựng các giải pháp bán hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng),... cũng như xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế toàn cầu; đẩy mạnh chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Có thể thấy, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt với Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia,... nhất là với những sản phẩm thiết kế đơn giản. Trong tương lai gần, khoảng 30 - 35% số doanh nghiệp đang làm hàng đơn giản sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, số còn lại bị chèn ép về giá. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam không chỉ làm những mặt hàng đơn giản mà vẫn đủ năng lực sản xuất các mặt hàng từ trung đến cao cấp. Đây là một trong những lợi thế để ngành tăng tốc xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.
Xuất khẩu hàng dệt may 2 tháng đầu năm 2023
ĐVT: USD