Diện tích sầu riêng tăng trưởng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực Sầu riêng Việt Nam chưa cạnh tranh lại hàng Thái Lan, Malaysia Nguồn cung hạn chế, thương lái lùng sục tìm mua sầu riêng |
Việt Nam có 85.000 ha sầu riêng, trong đó 51% đã cho thu hoạch. |
Chiều 1/11, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sau khi sầu riêng được cấp "visa" sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu loại quả này tăng mạnh và dự kiến đạt hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.
Tuy nhiên trong thời gian qua, diện tích trồng loại quả này tăng nóng làm dấy lên lo ngại về tiêu thụ, “được mùa, mất giá”.
Tại phiên họp Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) đặt vấn đề diện tích sầu riêng hiện nay là một báo động.
Cụ thể, quy hoạch đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000-75.000 ha sầu riêng nhưng hiện cả nước đã có 131.000 ha sầu riêng, tức diện tích cây trồng này tăng trưởng 24,5%/năm. Riêng tỉnh Bình Phước, hiện có khoảng 5.300 ha sầu riêng.
Đại biểu lo ngại tình trạng người dân ở một số tỉnh, thành phía Nam đổ xô trồng sầu riêng có thể dẫn đến hậu quả phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cung vượt xa cầu, “sầu riêng trở thành sầu chung”.
Phản hồi về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết diện tích sầu riêng Việt Nam đang ở mức 85.000 ha, trong đó 51% đã cho thu hoạch, còn lại đang trong thời gian kiến thiết cơ bản.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng ngoài việc ổn định về diện tích, sản lượng như hiện có, ngành nông nghiệp cũng cần quan tâm đến quy trình canh tác, giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tại diễn đàn về thực trạng và giải pháp cho ngành sầu riêng mới đây, ông Vũ Đức Côn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk - cho biết toàn tỉnh đã có hơn 28.600 ha sầu riêng. Trong số này có gần 3.000 ha trồng mới, gần 16.000 ha đang giai đoạn kiến thiết và gần 10.000 ha kinh doanh.
Theo ông Côn, vài năm tới, diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ lên đến 30.000 ha - đây là điều đáng lo ngại đối với ngành sầu riêng ở tỉnh này vì mức độ mở rộng quá nhanh.
Không chỉ Đăk Lăk, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã phát đi cảnh báo trước tình trạng diện tích cây sầu riêng tại tỉnh này liên tục tăng nhanh. Đến nay, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt khoảng 19.700 ha, tăng hơn 6.000 ha so với năm 2021, trong đó có hơn 10.800 ha đã cho sản phẩm. Dự kiến sản lượng niên vụ sầu riêng năm nay của Lâm Đồng đạt khoảng 115.000 tấn.
Đến 2027, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có khoảng 19.000 ha sầu riêng đến kỳ cho thu hoạch, tương ứng sản lượng khoảng 225.000 tấn, tức gấp đôi so với mức hiện nay.
Việc tăng diện tích sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. |
Trước đó, tại miền Tây, hàng nghìn ha lúa, mít được nông dân chuyển sang trồng sầu riêng khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lo ngại nguy cơ dư cung trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt, cho rằng việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu; dư thừa, dội chợ. Theo ông, nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như nhiễm mặn, phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín sản phẩm của hàng Việt nói chung. Do đó, hồi đầu năm, Cục đã gửi thông báo tới các địa phương để cảnh báo về việc phát triển "nóng" cây sầu riêng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá việc kinh doanh và sản xuất sầu riêng vẫn còn nhiều nút thắt: như việc chưa liên kết tốt giữa nhà vườn, thương lái và doanh nghiệp sản xuất; nguồn nhân lực chuẩn, thương hiệu chưa mạnh; hạ tầng chế biến chưa đáp ứng; có tình trạng cạnh tranh, chơi xấu trong thu mua. Do đó, nếu mở rộng diện tích quá nhanh, rủi ro sẽ rất lớn.
Để kiểm soát được chất lượng, thương hiệu của sầu riêng và ổn định đầu ra cho sản phẩm, Cục trồng trọt và các Sở nông nghiệp khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự ý chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng...
Năm ngoái, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với 420 triệu USD. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay, khi được xuất khẩu chính ngạch, hàng Việt đã vươn lên vị trí thứ 2 (sau Thái Lan) với kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 3,6 lần so với cả năm 2022.
8 tháng, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng |
Nhiều nông dân Khánh Hoà trở thành tỷ phú nhờ trồng sầu riêng |
Thu nhập khủng từ nghề cầm dao đi “gõ” sầu riêng |