Cây Viễn chí (Radix Polygalae) còn được gọi là Khổ viễn chí, tỉnh tâm trượng, viễn chí nhục, yêu nhiễu, khổ yêu, chích viễn chí, chí thông, nga quản chí thông,… . Tên khoa học là Polygala tenuifolia Willd, thuộc Họ Viễn chí – Polygalaceae.
Viễn chí thuốc loài cậy nhỏ, sống dai. Từ gốc mọc lên nhiều thân nhỏ. Thân loài viễn chí lá nhỏ nhẵn còn loài Siberi thì có lông tơ ngắn. Lá mọc so le, không cuống. Loài Viễn chí lá nhỏ phiến lá hẹp, nhọn còn loài Siberi phiến rộng hơn, hình mác, cụm hoa chùm.
Viễn chí thuộc cây thảo ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm, lẫn trong đám cỏ thấp ở ven rừng, nương rẫy hay ruộng cao ở vùng núi. Vốn là loại cây ở vùng cận nhiệt đới, ưa khí hậu ẩm mát, nên cây mọc ở các tỉnh phía bắc cũng chỉ thấy xuất hiện mùa xuân hè. Cuối mùa hè, sau khi có quả già, cây bị tàn lụi. Viễn chí tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và có thể gieo trồng được.
Ở Việt Nam, cây viễn chí mới chỉ thấy ở các vùng núi thấp, thuộc các tỉnh từ Thái Nguyên đến Thanh Hóa. Nước ta có nhiều loại Viễn chí đã được đưa vào để sử dụng làm thuốc, tuy nhiên chưa có tài liệu ghi chép nào nghiên cứu kỹ về cây này và hiện nay chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Theo Đông y, Viễn chí có vị đắng, cay, tính ôn đi vào kinh phế, tâm và thận. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, khứ đàm khai khiếu, tiêu ung thũng. Chủ trị các chứng hồi hộp mất ngủ, tâm thận bất giao, đàm trở tâm khiếu, động kinh, hóa đàm khái thấu, ung nhọt sưng, thận tích, bôn đồn, mộng tinh, di tinh, ghẻ lở, mụn nhọt, ho, tâm thần hay quên, lo sợ, ho nhiều đờm và mất ngủ.
Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, viễn chí có các tác dụng:
Tác dụng giảm ho: Trên mô hình thực nghiệm gây ho cho chuột nhắt trắng bằng cách phun xông Amoniac, liều 0.75g/kg viễn chí cho uống dưới dạng cao, có tác dụng giảm ho rõ rệt.
Tác dụng long đờm: Thí nghiệm trên thỏ, viễn chí có tác dụng làm tăng dịch tiết khí phế quản.
Tác dụng giảm đau: Trên mô hình gây đau biểu hiện bằng các phản ứng xoắn mình khi tiêm trong mang bằng dung dịch acid acetic, viễn chí liều uống 0.8g/kg có tác dụng giảm đau rõ rệt ở chuột nhắt trắng.
Tác dụng trên thời gian ngủ: Viễn chí có tác dụng hiệp đồng, làm kéo dài thời gian ngủ do thuốc ngủ barbituric ở chuột nhắt trắng.
Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương: Viễn chí có tác dụng ức chế có mức độ hệ thần kinh trung ương, nhưng không thấy có tác dụng đối kháng với liều gây co giật do cafein gây nên ở chuột nhắt trắng.
Tác dụng trên tử cung: Thử tác dụng của cao lỏng Viễn chí trên tử cung thỏ, mèo và chuột thấy có tác dụng kích thích co bóp tử cung ở cả con vật có thai và không có thai.
Tác dụng kháng khuẩn: Cao mềm viễn chí có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Bacillus substilis.
Tác dụng tán huyết: Dịch chiết 5% của rễ và bộ phận trên mặt đất cây ra hoa có tác dụng tán huyết.
Một số bài thuốc y học cổ truyền có cây dược liệu viễn chí:
Trị chứng bệnh do máu không đủ nuôi tim (tâm huyết bất túc), dễ quên, hồi hộp, mất ngủ, hay mơ: Đảng sâm, viễn chí, mạch đông, phục linh, đương quy, bạch thược, sinh khương, đại táo mỗi vị cân lấy 10g + cam thảo 3g. Các vị khác sắc lấy nước, cân ngoài 3g Quế tâm rồi đi tán thành bột mịn, hòa bột quế này vào rồi uống.
Người suy nhược thần kinh, quên lẫn, giảm trí nhớ, tim đập mạnh, loạn nhịp, mất ngủ: Viễn chí tán bột mịn. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần, uống với nước cơm hoặc cháo.
Trị suy nhược thần kinh, động kinh: Cân 12g bình vôi + 12g câu đằng + 12g thiên ma + 12g viễn chí + 12g đồng lượng. Sắc chung lấy nước uống. Duy trì uống liên tục, mỗi ngày một thang.
Trị suy nhược thần kinh, quên lẫn, rối loạn trí nhớ: Đẳng sâm, phục linh mỗi vị 30g + thạch xương bồ, viễn chí mỗi vị 20g. Cho tất cả đi sấy khô rồi tán thành bột làm thành viên hoàn. Chia đều uống trong 5 – 7 ngày, mỗi ngày 1 – 2 lần uống.
Trị viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm: Viễn chí 12g + trần bì, cam thảo mỗi vị 4g. Cho tất cả vào sắc lấy nước uống.
Chữa trẻ em sốt cao co giật: Viễn chí, sinh địa, câu đằng, thiên trúc hoàng, mỗi vị cân lấy 8g. Sắc lấy nước uống.
Dùng cho người tim đập mạnh, loạn nhịp, quên lẫn, giảm trí nhớ, mất ngủ, ho, nhiều đờm: Viễn chí, toan táo nhân sao mỗi vị 10g + gạo tẻ 50g. Sắc các vị thuốc lấy nước, bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo. Ăn vào buổi tối trước khi ngủ.
Chữa ho có đờm: Viễn chí 8g + cát cánh, cam thảo mỗi vị 6g. Cho tất cả vào sắc lấy nước, chia làm 3 phần bằng nhau, uống trong ngày.
Lưu ý:
Người bệnh không có chứng thực hỏa và người âm hư dương vượng không dùng.
Người viêm loét dạ dày, phụ nữ có thai, người trầm cảm không nên dùng.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Nên dừng sử dụng khi có các biểu hiện sức khỏe bất thường.