Vàng đắng (Coscinium fenestratum (Goetgh.) Colebr) thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae), tên gọi khác là Vàng đằng, Hoàng đằng lá trắng, Dây đằng giang.
Vàng đắng là cây leo to, phân nhánh, mọc bò trên mặt đất hoặc leo lên những cây gỗ cao. Thân hình trụ, đường kính 5 – 10cm. Thân non màu trắng bạc, thân già xù xì, có vết tích của lá rụng. Cắt ngang thân có hình bánh xe với những tia tủy như nan hoa bánh xe, màu vàng, giữa có vòng lõi tủy xốp.
Lá mọc so le, mặt trên xanh, mặt dưới màu trắng nhạt có lông tơ, dài 15 – 30 cm, rộng 10 – 20cm. Hoa màu trắng, phớt tím, mọc thành xim ở kẽ lá. Cuống hoa rất ngắn. Rễ hình trụ, mặt ngoài màu vàng, cắt ngang có hình bánh xe với những tia tủy hình nan hoa.
Cây tái sinh chủ yếu từ hạt, ngoài ra còn có khả năng tái sinh chồi từ phần gốc còn lại sau khi chặt.
Vàng đắng phân bố ở Việt Nam, trung và hạ Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, Vàng đắng thuộc loại cây nhiệt đới tương đối điển hình, ưa khí hậu nóng và ẩm. Trước đây mọc tương đối phổ biến ở vùng rừng núi miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Vàng đắng là phần thân cây – Caulis Coscinii fenestrati. Cây vàng đắng được thu hái gần như quanh năm. Cây hái về được cạo vỏ, cắt thành đoạn dài 10 – 13cm sau đó phơi hoặc sấy khô để bảo quản và sử dụng.
Trong thân và rễ Vàng đắng chứa nhiều ankaloid dẫn xuất của isoquinoline chủ yếu là Berberin. Tỷ lệ Berberin chiếm từ 1.5 đến 2- 3%.
Theo Đông y, rễ và thân cây Vàng đắng đều có vị đắng, tính mát đi vào kinh Phế, Tỳ, Can. Có tác dụng sát trùng, thanh nhiệt và tiêu viêm. Chủ trị các bệnh như viêm ruột, tiêu chảy, viêm tai, đau mắt, sốt rét, kiết lỵ, lở ngứa ngoài da và tiêu hóa kém.
Theo Tây y, hoạt chất Berberin trong Vàng đắng có khả năng ngăn chặn phản ứng viêm, tăng độ đàn hồi cho mạch máu và ngăn ngừa hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Năm 2004 các nhà khoa học còn nhận thấy hoạt chất Berberin trong Vàng đắng còn có công dụng giảm chất béo triglyceride tích trữ tại gan và hàm lượng cholesterol trong máu.
Nghiên cứu của một số nhà khoa học Trung Quốc cũng chứng minh rằng ngoài những tác dụng đối với mạch máu, hoạt chất Berberin còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp tăng khả năng giãn nở, co bóp và duy trì hoạt động của thần kinh giao cảm tại tim. Có tác dụng ức chế vi khuẩn, điều trị tiêu chảy và viêm kết mạc do nhiễm khuẩn.
Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng Berberine sở hữu nhiều công dụng khác, đặc biệt trong điều trị các bệnh mãn tính, bao gồm Đái tháo đường ( hạ đường huyết); Bệnh tim mạch (giúp hạ huyết áp và mỡ máu); Ung thư (gây độc tế bào, ức chế sự tăng sinh và sinh sản của một số loài vi sinh vật và virus) và hiệu quả kháng viêm.
Một số bài thuốc Đông y sử dụng dược liệu Vàng đắng
Chữa mắt sưng đỏ và có màng: 1g phèn chua và 4g hoàng đằng. Đi tán nhỏ các dược liệu, sau đó đem chưng cách thủy và gạn lấy nước, nhỏ mặt.
Chữa kiết lỵ: Mức hoa trắng và bột hoàng đằng hoặc cao cỏ sữa lá lớn và hoàng đằng cân với lượng bằng nhau rồi trộn đều, làm thành viên hoàn và dùng uống hằng ngày.
Trị trẻ em nóng trong người khiến da nổi mụn nhiều: Lấy lượng vàng đắng vừa đủ dùng nấu nước và tắm từ 1 – 2 lần/ ngày cho đến khi khỏi hẳn.
Chữa viêm tai có mủ: Phèn chua 10g + bột vàng đắng 20g. Tán nhuyễn, trộn đều và thổi vào tai. Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày liên tục trong vài ngày.
Chữa viêm phế quản, hội chứng lỵ, bạch đới, viêm tai trong và viêm đường tiết niệu: Huyết dụ, mộc thông và hoàng đằng, mỗi thứ 10 – 12g. Đem các vị đi sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi bệnh.
Chữa viêm ruột kiết lỵ: Lá mơ, cỏ sữa lá lớn mỗi vị 20g + vàng đắng 14g. Đem các vị đi sắc uống.
Chữa kẽ chân viêm, ngứa và chảy nước: Kha tử 10g và vàng đắng từ 10 -20g. Đem các vị trên giã nát, sắc đặc và dùng nước ngâm chân từ 1 – 2 lần/ ngày.
Chữa mắt đau, sưng đỏ và thường xuyên chảy nước: Cam thảo 2g + phòng phong, kinh giới, bạch chỉ, long đởm thảo và cúc hoa mỗi thứ 4g + mật mông 9g + vàng đắng 8g. Cho tất cả các vị vào sắc uống, ngày dùng 1 thang, duy trì bài thuốc liên tục trong 3 – 5 ngày.
Chữa viêm dạ dày, bàng quang và viêm ruột: Cân khoảng 10g rễ hoàng đằng. Rửa sạch cho vào sắc uống.
Lưu ý: Người có huyết hàn hoặc mắc các bệnh do hàn không được dùng. Các bài thuốc trên có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Chính vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi sử dụng.