Bồn bồn còn được gọi là cây cỏ nến |
Bồn bồn còn được gọi là cây cỏ nến, cao trên dưới 2 mét, mọc hoang ven rìa đầm lầy nước ngọt các tỉnh phía nam như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang. Phấn hoa bồn bồn dùng để chữa bệnh dưới tên gọi bồ hoàng. Trong khi việc tận thu bồ hoàng ít được chú ý vì các nhà thuốc vẫn quen nhập ngoại, thì phần gốc bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon ngày càng được khai thác rầm rộ. Nhận thấy lợi ích nhiều mặt của bồn bồn nên tỉnh Cà Mau đặt chỉ tiêu đến năm 2015 trồng cho được 3.000 ha bồn bồn, quyết biến dưa bồn bồn thành thương hiệu đất mũi. Nhiều nơi nông dân ưu tiên trồng bồn bồn kết hợp nuôi tôm tép, cá đồng phục vụ nhà hàng đặc sản, lời gấp vài lần trồng lúa.
Theo ông Phan Văn Út, ngụ huyện U Minh Thượng, chỉ cần nhổ cây bồn bồn lên, giữ lại từ gốc lên khoảng 25cm rồi tách lấy lõi non bên trong là có ngay nguyên liệu để chế biến món ngon cho gia đình. Bồn bồn là loại rau dễ ăn, có độ giòn ngọt, khi làm dưa sẽ có độ chua nhẹ.
Tháng 6 đến tháng 11 nước nổi, cũng là mùa hái bồn bồn. Lội xuống đầm bồn bồn mọc dày, nắm ngọn lôi mạnh là tuột lên cả phần củ hũ. Tước bẹ lá bên ngoài, còn lại phần lõi trắng muốt, rửa sạch chẻ nhỏ là có thể chế biến thành nhiều món ngon.
Gỏi bồn bồn
Món gỏi bồn bồn có vị chua cay, mặn, ngọt, tính mát. Khi kết hợp cùng tôm, thịt heo sẽ rất đậm đà, thơm ngon. Đây là món cực kỳ phù hợp để khai vị hoặc làm món nhậu lai rai, món ăn cho những ngày nóng bức.
Nguyên liệu chuẩn bị:
200gr bồn bồn tươi, 100gr thịt lợn ba chỉ, 100gr tôm, rau răm, đậu phộng, chanh, 50gr cà rốt ngâm chua, tỏi, ớt, sả, đường, mắm.
Đầu tiên, đem tôm luộc chín rồi bóc bỏ vỏ chừa đuôi. Thịt heo cũng đem luộc chín sau đó xả qua một lượt nước lạnh rồi cắt mỏng. Bồn bồn cắt dài khoảng 5cm, đem xả nước 3 – 4 lần cho hết mặn, sau đó ngâm nước đá rồi vắt nước thật ráo.
Đậu phộng rang, giã nhỏ. Cà rốt cắt sợi. Rau răm cắt nhỏ.
Làm nước trộn gỏi: Chuẩn bị một tô vừa, cho 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng nước cốt chanh, 1 muỗng đường, 1/2 muỗng cafe ớt bột, 1 muỗng cafe hạt nêm, 1 muỗng nước tương và 1/2 chén nước, trộn đều.
Cho bồn bồn, cà rốt, hành tây, tai heo, tôm sú, rau răm, đậu phộng vào 1 cái đĩa. Rưới nước trộn gỏi lên, trộn đều các nguyên liệu là đã có được một dĩa gỏi bồn bồn ngon "nhức nhối"!
Canh chua bồn bồn nấu lươn
Thay vì nấu canh chua bồn bồn với các loại cá đặc trưng vùng sông nước miền Tây, có thể thử nấu bồn bồn cùng với lươn. Thịt lươn trắng ngần, thơm ngon rất hợp với bồn bồn. Đặc biệt là món ăn này giúp giải nhiệt những ngày nóng rất tốt.
Chỉ cần mua lươn về làm sạch, cắt thành từng khúc vừa ăn. Bồn bồn đem vắt khô nước. Sau đó nấu một nồi nước sôi. Cho me vào một cái chén nhỏ dầm lấy nước cốt. Khi nước trong nồi sôi, thả lươn vào, thêm nước cốt me, nêm nếm một ít nước mắm, muối, đường sao cho vừa ăn.
Khi nước dùng sôi lại, thả bồn bồn và cà chua đã chẻ làm tư vào, nêm nếm lại một lần nữa sau đó nấu thêm một lúc rồi tắt bếp.
Múc canh chua lươn và bồn bồn ra tô, cho thêm một ít rau ngò om, ngò gai đã cắt nhỏ vào. Thêm một chút ớt, tỏi và sả bằm phi vàng rắc trên mặt tô. Món này có thể dùng với cơm nóng, chấm chút mắm ớt hay muối ớt đều rất hợp vị.
Bồn bồn xào tôm
Món bồn bồn xào tôm không chỉ đơn giản, nhanh chóng, dễ làm mà còn có hương vị thơm ngọt, chua dịu rất kích thích vị giác.
Chuẩn bị khoảng 200gr tôm, 300gr bồn bồn muối chua, cà rốt, hành lá, gia vị, hành tím băm, tỏi băm.
Tôm rửa sạch, cắt râu và gai nhọn, ướp tôm với 1/3 muỗng cafe muối, tiêu, 1 muỗng cafe hành tỏi băm, 1/2 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe bột ngọt rồi trộn đều cho thấm gia vị. Bồn bồn cắt bỏ phần lá xanh ở đầu, cà rốt cắt sợi, hành lá cắt khúc vừa ăn.
Làm nóng chảo, cho dầu ăn, hành tỏi băm vào phi thơm rồi trút tôm vào. Xào tôm chín sau đó cho bồn bồn và cà rốt vào đảo đều. Nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi cho hành lá vào xào thêm một chút rồi tắt bếp. Cho bồn bồn xào tôm ra dĩa, trang trí ớt xoăn và ngò sau đó thưởng thức nóng. Món này dùng kèm cơm sẽ rất ngon và hấp dẫn.
Những món ngon từ bồn bồn sẽ mang đến hương vị dân dã, quê nhà, đồng thời giúp bữa cơm gia đình thêm ngon và ấm cúng.
Bồn bồn muối chua
Bồn bồn muối chua |
Món ăn phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được. Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen. Nhiều người sáng tạo còn cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt giã nhỏ khiến món dưa bồn bồn trở nên lạ miệng, dễ đưa cơm, hấp dẫn.
Dưa bồn bồn muối chua còn có thể biến tấu thành món xào, bổ sung vào thực đơn phong phú. Chỉ cần đem dưa rửa sạch rồi xào nóng trên bếp lửa, thêm gia vị vừa ăn là có ngay một món ngon mà thời gian chuẩn bị không quá phức tạp và cầu kỳ.
Dù là món xào hay nấu canh, hương vị độc đáo của bồn bồn đều hấp dẫn mọi người. Mùa nóng ghé thăm miền sông nước Tây Nam Bộ, chỉ cần nếm thử một chút món dưa bồn bồn chua chua ấy là thấy ghiền và nhớ mãi.