![]() |
Cây bo bo |
Bo bo còn có những tên gọi khác là cao lương, lúa miến, ý dĩ, chúng trông xa khá giống cây ngô, thân cây vừa hao hao thân ngô vừa giống thân mía, nhưng thay vì cho bắp, cây bo bo cho ra bông và cho hạt.
Tại Việt Nam người ta tìm thấy 3 loại hạt bo bo:
Hạt bo bo tẻ: đây là loại hạt tẻ, kích thước lớn, có màu trắng, được trồng để làm thức ăn, thức uống và cả rượu nữa.
Hạt bo bo nếp: so với hạt bo bo tẻ, bo bo nếp to hạt, thơm và chắc mẩy hơn. Vì thế, nó được xếp vào danh sách những loại nông sản quý. Thực phẩm này dùng để nấu cháo, chè, sữa hoặc làm ngũ cốc.
Hạt bo bo cườm: Bo bo cườm có kích thước nhỏ và rất cứng, nên không thể ăn được. Chúng chỉ được dùng để làm chuỗi hạt, làm mành che cửa…
![]() |
Bo bo tẻ |
Cây bo bo có nguồn gốc ở Đông Á và bán đảo Malaysia, hiện nay được gieo trồng ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Mỹ để làm thực phẩm và dược liệu. Tại Việt Nam, bo bo thường mọc hoang ở những nơi ẩm mát, ven các bờ suối ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Lai Châu, Thanh Hóa. Ngoài ra, một số tỉnh miền Nam bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cũng tìm thấy hạt bo bo. Mấy năm gần đây, bo bo được người dân một số nơi trồng để bán ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Bo bo được thu hái vào tháng 8-10 khi quả đã già. Khi thu hoạch cần cắt cả cây mang đi khơi khô sau đó đập cho hạt rơi ra, bỏ phần vỏ cứng ở bên ngoài, chỉ thu lấy phần nhân bên trong.
![]() |
Bo bo cườm |
Trên thị trường, hạt bo bo có giá dao động khoảng từ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Ngoài là một nguyên liệu chế biến các món ăn ngon, các món chè, tốt cho sức khỏe, hạt bo bo còn được chị em sử dụng làm đẹp.
Với những ai sống ở thời bao cấp chắc hẳn vẫn còn nhớ hạt bo bo, thứ gợi lại một thời khó khăn đói kém. Hồi đó, bo bo là một loại hạt mà Việt Nam được viện trợ trong thời kì lương thực khan hiếm. Bo bo được ngâm lâu với nước, nấu thay cơm hoặc độn ăn cùng cơm và nhiều khi là nấu bo bo không, đây là thứ "cứu đói" phổ biến khắp các gia đình lúc bấy giờ.
"Thời đó nhà nào cũng trữ hạt bo bo trong nhà chứ làm gì có đủ lúa gạo như bây giờ. Bo bo phải ngâm qua đêm mới nấu được, người già và trẻ nhỏ không nhai được bo bo vì nó rất cứng nên chị em tôi nhường cơm cho ba má. Bữa ăn chỉ có nồi chỉ bo bo độn khoai mì thôi mà cũng thường hụt miệng ăn. Giờ nhớ lại tôi vẫn nhớ như in những ngày nghèo khó với hạt bo bo nhai trệu cả răng", chị Hồng Ánh (47 tuổi, ở Nghệ An) kể lại.
![]() |
Bo bo nếp |
Theo y học cổ truyền, hạt bo bo vị ngọt thanh, tính hơi hàn. Nó có nhiều tác dụng như: Bổ phế, lợi thủy, thanh nhiệt,... Người ta thường dùng nó để chữa các bệnh: Tê thấp, viêm phổi, viêm ruột, tả, sỏi thận,...
Theo y học hiện đại, dầu chiết từ nhân bo bo có thể tác dụng lên hệ thống hô hấp, gây kích thích hô hấp. Sử dụng liều cao gây ức chế hô hấp, làm giãn phế quản.
Ý dĩ nhân có thể ức chế sự phát triển của một số tế bào ung thư.
Dầu trích từ ý dĩ có thể làm cho cơ vân giảm và ngừng co bóp. Tác dụng này giúp cơ trơn thư giãn không gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Tôi lớn lên, không biết bo bo là gì... Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc- Nam Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem Không biết bo bo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ... ...Rồi ngày tháng trôi Bao đổi thay đến với cuộc đời Thì trong trái tim tôi luôn tự hào là người Việt Nam Màu cờ thắm tươi vẫn phấp phới với những cuộc đời Lòng bồi hồi nhớ... (Trích lời ca khúc Lá cờ của nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng) |