Quả dại xưa đầy rừng không ai hái, nay thành đặc sản “đắt” khách vẫn đặt nhiều |
Nho rừng còn có tên gọi khác là quả giác, mọc hoang dại bạt ngàn ở các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, ngoài ra một số tỉnh miền Trung, miền Nam cũng có loài cây này trong các cánh rừng.
Trước đây, cây nho rừng mọc hoang trong các cánh rừng ít ai để ý nhưng khoa học ngày càng phát triển, phát hiện ra nho rừng là loại quả rất tốt cho sức khỏe nên nhiều người đã tìm mua nho rừng về làm thực phẩm và làm thuốc.
Chị Đỗ Thị Hường, trú tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết, ngày nhỏ, chị cùng mọi người lên núi cắt măng, thấy nho rừng leo thành từng đám lớn, cho từng chùm chi chít quả. Ăn thử thì thấy chua và chát, ngứa đầu lưỡi và cuống họng nên cả làng không ai hái.
“Đi rừng thì áp dụng nguyên tắc là loại quả nào có vị chua hoặc ngọt, chim ăn được thì người cũng ăn được. Loại nào đắng và chát, chim không ăn thì người cũng không ăn được. Vì vậy hầu như không ai hái nho rừng”, chị Hường nói.
Tuy nhiên, theo chị Hường, mấy năm gần đây, một số thương lái đặt mua của bà con đi rừng với giá 20-30.000 đồng/kg nên mọi người mới đi hái về bán. Mọi người cũng truyền tai nhau rằng nho rừng có thể ngâm đường hoặc ngâm rượu uống được nên chị cũng ngâm thử để uống, thấy mùi rất thơm, màu đẹp và không còn ngứa nữa.
Là người chuyên cung cấp các loại đặc sản rừng, chị Chu Thị Thắng, trú tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết, mùa nho rừng thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch. Đây là loại cây thuộc dạng dây leo, cho quả chùm nặng từ 2-3kg/chùm.
“Loại quả này lúc xanh thì chua lắm. Đồng bào hay hái nấu canh hoặc kho cá. Khi chín thì chuyển từ màu xanh sang màu tím đen, đỡ chua hơn và được dùng để ngâm siro hoặc ngâm rượu”, chị Thắng nói.
Nho rừng lúc xanh thì chua lắm |
Theo chị Thắng, thời gian trước khi dịch Covid-19 diễn ra, mỗi ngày chị bán được vài tạ nho rừng do khách đặt nhiều. Tuy nhiên thời điểm này, dịch bệnh phức tạp nên việc vận chuyển nho đến các tỉnh khác gặp nhiều khó khăn, giá cước cao, thời gian vận chuyển chậm nên có ai ở gần đặt chị mới nhờ người dân đi hái.
Trên khắp các chợ online thời gian gần đây, nho rừng được nhiều người rao bán với giá từ 120-180.000 đồng/kg. Thậm chí có người còn ngâm nho với đường rồi bán với giá 350.000 đồng/hộp 5 lít.
Khoe 3 lọ thủy tinh ngâm đầy nho rừng, chị Đỗ Thị Ngân, trú tại Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nào chị cũng nhờ người quen trên Bắc Kạn tìm mua giúp rồi gửi xuống để ngâm đường phèn làm siro và ngâm rượu.
“Giá mua trên đó là 70.000 đồng/kg nhưng cước vận chuyển xuống Hà Nội cao nên tính ra mất vào khoảng 100.000 đồng/kg. Năm ngoái tôi mua 3kg về ngâm uống thử mà ngâm từ tháng 9 đến tháng 11 đã hết veo rồi nên năm nay tôi nhờ mua cả yến về ngâm”, chị Ngân nói.
Theo chị Ngân, nho rừng ngâm có màu tím đậm rất đẹp, vị thơm hơn các loại nho khác nên cả nhà chị ai cũng thích.
Nhận thấy giá trị kinh tế của nho rừng, một số hộ nông dân đã mang nho rừng về vườn nhà để trồng với số lượng lớn. Trong đó phải kể đến vườn nho rừng hơn 3.000 gốc của ông Nguyễn Văn Thông, trú tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh).
Theo ông Thông, mỗi dây nho rừng trưởng thành dài khoảng 20 mét sẽ cho thu hoạch khoảng 50kg quả. Mỗi ngày, gia đình ông có thể thu hoạch được khoảng nửa tấn nho rừng.
Nho rừng ngâm có màu tím đậm rất đẹp |
Khi xưa đây chỉ là cây dại, người dân vào rừng thấy quả có vị thơm ngon, hơn nữa đem đi ngâm rượu cũng cho hương vị tuyệt vời. Dần dần người dân mang cây về trồng và chăm sóc, cho trái hiệu quả. Tuy nhiên giờ đây người ta lại chuộng trái nho rừng hơn vì sạch sẽ và hoàn toàn tự nhiên. Ban đầu người dân ngâm rượu nho rừng chỉ để dành uống ở nhà. Rượu nho rừng rất ngon và mùi thơm đặc trưng, lại có công dụng làm đẹp da.
Để ngâm được những bình rượu nho rừng thơm ngon nhất, người ta thu hái những quả nho màu đỏ tím thẫm. Sau đó nhặt bỏ hết cuống nho, lấy nguyên quả đem đi rửa sạch, để ráo nước. Có một lưu ý nho nhỏ đó là bạn nên chọn những quả nho càng chín càng tốt, có màu tím đen. Những trái nho này đem ngâm rượu sẽ rất ngon và không bị chua gắt.
Khi ngâm nho với rượu 45 độ theo tỉ lệ 1:2, tức 1kg quả tươi ngâm cùng 2 lít rượu. Rượu nho rừng ngâm trong 1 tháng trở lên là có thể dùng được. Thành phẩm là rượu nho có màu tím sẫm, vị ngọt và hơi chua, uống rất ngon.