Rau tàu bay hay còn gọi là kim thất là loài thực vật thân thảo |
Rau tàu bay hay còn gọi là kim thất là loài thực vật thân thảo, có hoa trong họ cúc, mọc hoang dại ở những nơi thoáng mát, đất ẩm ướt ven các bờ rừng.
Chúng có lá mỏng, bản lá to, hình trứng dài, mép lá có răng cưa to hoặc có khía, mùi thơm nhẹ đặc trưng; rễ có màu trắng hoặc nâu; hoa lưỡng tính, tự hình đầu, hợp thành ngù, mỗi ngù khoảng 1-3 bông. Khi chưa nở, đầu nụ có màu đỏ nâu và nhạt dần thành màu đỏ, hồng nhạt. Hoa nở thành chùm tỏa đều ra xung quanh, lông mịn mềm.
Tuy nhiên rau tàu bay có vị đắng và mùi hôi đặc trưng cần có cách chế biến phù hợp mùi vị mới thơm ngon.
Có người khoái mùi vị đặc trưng của rau tàu bay. Nhưng có ý kiến cho rằng ăn nhiều và thường xuyên rau tàu bay sẽ bị thiếu máu. Để khắc phục tình trạng đó thì cần làm toan hóa rau tàu bay bằng cách phối hợp chấm nước mắm chanh hoặc làm rau trộn có chanh hoặc giấm để tăng hấp thu sắt tạo huyết sắc tố. Cũng có ý kiến dùng thường xuyên rau tàu bay có thể bị sỏi thận.
Mùa hoa nở vào tháng 9 đến tháng 2, ra quả từ tháng 10 đến tháng 3. Các đầu nhụy hoa lúc khô biến thành các túm bông nhẹ, bay theo gió và đem theo nhụy, hạt đến nơi khác sinh sôi và phát triển.
Hoa thuộc họ cúc |
Rau tàu bay phát triển ở vùng có khí hậu nhiệt đới như châu Á, châu Phi và một số đảo ở Địa Trung Hải. Tại Việt Nam, loại rau này có nhiều ở miền núi...
Xưa trong thời kỳ kháng chiến, rau tau bay thường được bộ đội ta dùng làm thực phẩm “cứu đói”, thay cho rau xanh. Ngày nay khi diện tích đất rừng bị thu hẹp, các loại rau thông thường lạm dụng quá nhiều chất bảo vệ thực vật thì rau tàu bay lại lên ngôi và trở thành món rau sạch, an toàn cho các gia đình.
Đọt non của rau được người dân thu hái, chế biến các món như ăn sống, muối chua, xào tỏi, nấu canh, làm gỏi,... Trong đó đọt tàu bay luộc là ấn tượng và ngon hơn cả.
Rau tàu bay hái đọt non, rửa sạch, để ráo nước, đun nước sôi, nêm muối, bột ngọt hoặc có thể cho thêm chút gừng băm nhỏ để nước có vị thơm của gừng. Thả rau tàu bay đã rửa sạch vào xoong nước sôi khoảng 30 giây đến 1 phút, vớt rau ra đĩa ngay.
Rau tàu bay luộc vị hơi đắng, có mùi thơm đặc trưng, rất hợp khi chấm cùng nước mắm gừng, ớt cay cay… Có thể nói chúng là món ăn dân dã, chẳng cao sang nhưng lại rất sạch.
Rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh |
Chị Linh Chi (Thừa-Thiên Huế), cho biết mình ghiền món rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh nhất. Ăn ngon đến nhức răng. Chỉ hôm nào ba ra đồng, may mắn kiếm được chục con tôm, mẹ mới làm món này. Những hôm mẹ luộc rau tàu bay chấm nước tôm kho đánh, cả nhà có khi ăn rau thay cơm. Mà những ngày xưa ấy, khi cơm còn bữa đói bữa no, thì việc ăn rau thay cơm chẳng có gì lạ. Chứ chẳng như bây giờ, hôm nào bắt gặp một mớ rau tàu bay bán bên góc chợ, thì mừng như bắt được vàng. Tưởng như cả trời quê hiện hữu nơi góc phố.
Chế biến món rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh đơn giản lắm. Rau tàu bay ngắt lấy lá và đọt non rồi rửa sạch. Khi nồi nước luộc rau sôi to, mới cho rau vào. Mẹ mình truyền bí kíp để luộc rau xanh, là chỉ cho từng nhúm rau thật nhỏ vào nồi nước đang sôi. Đợi cho đến khi nước sôi lại, mới cho nhúm rau kế tiếp vào. Luộc rau cũng phải thong dong từ tốn như thế, thì rau mới giữ được cái nét xanh tươi non mềm như hồi vẫn ở trên cây. Mà cái vị ngọt của rau dại vẫn giữ được nét ban sơ vốn có.
Kế đến là làm nước chấm rau. Tôm rửa sạch, bóc vỏ rồi băm nhỏ, cho tiêu, hành, muối, bột ngọt vào ướp chút xíu. Bắc chảo lên bếp, cho hành băm nhỏ vào phi thơm thì cho tôm đã ướp vào xào chín, rồi đổ lưng lưng chén nước vào nấu cùng. Đến lúc nước sôi lăn tăn thì nêm thêm tí ruốc cho thơm nồng đậm vị. Món tôm kho đánh của mẹ lên màu rất đẹp nhờ gạch tôm, nên không cần phải thêm cà chua hay ớt bột. Muốn chén nước chấm thêm đậm đà, khi ăn xắn thêm trái ớt chỉ thiên chín đỏ là vừa đủ.
Rau tàu bay luộc lên có vị ngọt tươi, non mềm. Là vị ngọt ban sơ của loài rau dại mọc hoang trên đồi, lớn lên cùng sương gió trời đất mà chẳng cần phân, thuốc của bàn tay con người vun xới. Nên cái ngon, cái ngọt của rau thanh tao lắm. Nhai từng cọng rau trong miệng, nghe cái giòn giòn, sật sật của từng cong rau lăn qua lăn lại trên đầu lưỡi, cái vị ngọt của rau tứa ra, vị thơm thơm đong đầy khoang miệng, thiệt là thích. Nước chấm tôm kho đánh cay nồng vị ớt, ngọt lành vị tôm, lại thơm thơm mùi ruốc Huế. Trời mưa bay bay, se se lạnh, bưng chén cơm nóng, ăn với rau tàu bay luộc chấm tôm kho đánh. Thiệt là ngon không gì sánh được.
Cũng như các loại rau xanh khác, rau tàu bay cung cấp các loại vitamin nói chung và vitamin A, C là những vitamin chống ôxy hóa, khử gốc tự do. Rau tàu bay có nhiều xơ gây nhuận tràng và giảm hấp thu chất béo, làm thức ăn kiêng cho người béo phì.
Ngoài việc được sử dụng như một món ăn trong bữa cơm gia đình, rau tàu bay còn được sử dụng như một loài thảo dược giúp chữa trị các bệnh trong y học.
Một số vùng dân cư người ta quen dùng rau tàu bay phòng chống côn trùng, rắn rết cắn, bằng cách giã nhuyễn xoa đắp lên chỗ bị tổn thương.
Theo y học cổ truyền, do có vị đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng thanh can hỏa, giải độc, se da, tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng nên cây được sử dụng làm thuốc.
Người ta thường dùng cả cây tàu bay phơi khô làm thuốc để trị cảm sốt, hạ nhiệt, kích thích tiêu hóa và lợi tiểu. Dịch chiết từ lá tàu bay có thể dùng trừ giun, thu liễm, giã đắp trị mụn nhọt.
Ngày nay, diện tích rừng ngày một bị thu hẹp trong khi các loại rau thông thường lạm dụng quá nhiều chất bảo vệ thực vật nên rau tàu bay lại lên ngôi và trở thành món rau ngon và lạ cho các gia đình.