Đây là món rau rừng hoang dại nhưng càng ngày càng được nhiều người tìm kiếm |
Rau xương cá còn được gọi là rau hến, phồn lâu, nga tràng. Loại cây này phân bố chủ yếu ở khu vực có khí hậu mát thuộc vùng cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Thái Lan. Tại Việt Nam, rau xương cá thường mọc dại ở trong vườn nhà hoặc ven sông, ven suối, phân bổ từ Bắc chí Nam, nhiều nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Xương cá thuộc cây thân thảo, sống dai, cao 20 – 25 cm. Lá mọc đối, dài khoảng 2,5 cm, rộng 2cm, gốc hình tim, đầu nhọn, gân giữa thường rất rõ; những lá ở dưới có cuống, lá ở trên không cuống. Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành chùm thưa, hoa nhỏ màu trắng, đài 5 răng có lông ở mặt lưng, tràng 5 cánh, dài bằng lá đài, xẻ sâu thành 2 thùy hẹp.
Trong loại cây này có chứa 89,7% nước, 3,3% protein, 3,7% chất xơ, 1,9% tro, 80mg Ca, caroten 9,2 mg, vitamin c 48 mg, 1,4% glucid, canxi 80mg%, vitamin Cephalexin 48mg%. Hạt của cây rau tồn tại trên mặt đất trong thời gian 6 – 7 tháng, chịu được cái lạnh của mùa đông để nảy mầm vào mùa xuân năm sau.
Đây là món rau rừng hoang dại nhưng càng ngày càng được nhiều người tìm kiếm. Bởi chúng không những sạch, có hương vị đặc sắc mà còn là một vị thuốc có thể dùng chữa bệnh.
Người ta thường nấu rau xương cá với thịt băm hoặc xào loại rau này với thịt lợn. Không chỉ vậy cây rau còn được dùng để ăn lẩu. Đặc biệt hơn cả là khi rau xương cá chế biến với đậu phụ sẽ giúp hỗ trợ điều trị các bệnh như cao huyết áp hoặc bạc tóc…
Rau xương cá nấu canh thịt băm cũng là một đặc sản ở Tây Nguyên |
Rau xương cá khi nấu với đậu phụ sẽ là thức ăn tuyệt vời để chữa cao huyết áp, nếu làm với các món xào thì có thể cải thiện tình trạng bạc tóc sớm.
Từng là loại rau mọc dại khắp nơi, thế nhưng vài năm trở lại đây, rau xương cá được nhiều người biết đến là đặc sản núi rừng Tây Nguyên. Theo lời của anh Phạm Văn Mạnh (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk): “Rau xương cá nấu canh với thịt băm hoặc xào rất ngon. Sau nhiều năm, người dân tại đây bắt đầu thuần hóa loại rau này và trồng như một loại rau trong vườn. Rau sinh trưởng tốt, không có thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nên được rất nhiều người dân ưa chuộng”.
Được biết, rau xương cá được người dân tại Buôn Mê Thuột trồng nhiều và xuất đi các địa phương khác. Rau có thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ sau 2 tháng là có thể thu hoạch, sản lượng mỗi tháng vào khoảng 200kg. Tại vườn, thương lái thu gom với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng đưa lại doanh thu khoảng 6 triệu đồng cho người dân nơi đây.
Giá bán ra thị trường của 1kg rau xương cá dao động từ 40.00 - 50.000 đồng/kg, vào mùa nắng mức giá này có thể tăng lên 50.000 - 70.000 đồng/kg. Để tìm mua loại rau này phải liên hệ các cửa hàng rau đặc sản và đặt hàng trước mới có chứ không phải ngày nào cũng có sẵn như các loại rau thông dụng khác. Chị Hoa Nguyễn (37 tuổi, TP.HCM) cho biết, chị từng ăn loại rau này khi ở quê nhà nên muốn tìm mua trên thành phố, tới cửa hàng dặn trước 1-2 ngày sẽ có hàng.
Rau xương cá có vị chua nhẹ, tính bình |
“Mình hay mua 1-2kg, chia cho bạn bè cùng thưởng thức. Loại rau này dễ ăn, trẻ con trong nhà thích ăn món này xào với lại thịt bò vừa lạ miệng, đổi vị lại an toàn. Khi ăn món rau này mình cũng rất nhớ quê nhà, nhớ những tháng ngày khó khăn ăn rau rừng rau dại mà lớn khôn…”, chị Hoa cho biết thêm.
Chị Ngọc Hà (28 tuổi, Cao Bằng) cho biết: "Trên quê mình, người dân thường đi rừng kiếm rau xương cá về làm thuốc. Thi thoảng họ cũng dùng làm rau ăn bởi nó có tính mát, rất bổ dưỡng cho sức khỏe của con người. Đặc biệt nó là loại rau sạch, không phun thuốc trừ sâu hay chất hóa học gì cả. Chúng có thể nấu canh thịt bằm hoặc xào tỏi, vô cùng thơm ngon".
Cũng theo chị Hà, rau xương cá thường được bà con dân tộc vào rừng hái và đem ra chợ bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng vài nghìn đồng/mớ. Hiện tại một số nhà hàng nổi tiếng cũng bắt đầu "săn lùng" loại rau này, bổ sung vào thực đơn để phục vụ khách du lịch.
Còn anh Vỹ, chủ cửa hàng rau sạch đặc sản Tây Nguyên trên đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10, Tp. HCM) chia sẻ: “Thi thoảng có khách đặt hàng, mình sẽ nhờ thương lái lấy từ Tây Nguyên. Rau được bảo quản trong thùng xốp nên xuống đến nơi vẫn còn tươi ngon, chỉ mất khoảng 1 đêm để di chuyển. Mình chia nhỏ và bán cho khách. Rất hay có khách đặt loại rau này vì ngoài làm rau ăn còn có tác dụng làm thuốc rất tốt”.
Trong Đông y, rau xương cá có vị chua nhẹ, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng. Ngoài ra, cây rau xương cá còn dùng trong các trường hợp muốn lợi tiểu, lợi sữa…