Rau dại xưa ăn "cứu đói", giờ thành đặc sản 100.000 đồng/kg |
Giảo cổ lam hay còn có tên gọi khác là cỏ trường thọ (Trung Quốc), phúc ẩm thảo (Nhật Bản), cây trường sinh, dền toòng, cổ yếm, ngũ diệp sâm, ... Tên khoa học của giảo cổ lam là Gynostemma pentaphyllum, cây thuộc họ bí (Cucurbitaceae).
Chúng là cây thân thảo có thân mảnh, dễ gãy, mọc leo nhờ các tua cuốn đơn ở nách lá, có cây đực và cây cái riêng biệt; lá cây giống lá kép, có hình chân vịt khép kín, màu xanh thẫm; hoa mọc thành cụm có hình chuỳ, bông hoa nhỏ có màu trắng, các cánh hoa nở xòe rời nhau, tạo hình ngôi sao.
Bao phấn ở bông hoa dính thành đĩa, bầu hoa có 3 vòi nhuỵ; quả có hình cầu, kích thước 5 – 9mm, khi chín quả có màu đen.
Căn cứ vào đặc điểm của lá mà loại rau này được chia thành 3 loại: 3 lá, 5 lá và 7 lá. Mỗi một loại có đặc điểm khác nhau, hiệu quả và giá thành cũng khác nhau.
Tại Việt Nam, giảo cổ lam được tìm thấy nhiều ở vùng núi Fansipan thuộc Sa Pa (Lào Cai) và núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Chị Như Loan (31 tuổi, Hòa Bình) - một vị khách thường xuyên dùng loại rau này cho biết: "Giảo cổ lam chính là loại rau dành cho người nghèo ở vùng quê mình khi xưa.
Nhớ hồi đó, chúng mình hay rủ nhau vào vùng núi đá vôi hái ngọn và lá cây còn tươi về để mẹ chế biến thành món ăn ngon như xào hoặc nấu canh. Mẹ mình bảo rằng rau giảo cổ lam mọc tự nhiên nên sạch, ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Sau này, cuộc sống của mọi người khấm khá hơn, ít ai đi hái về làm rau ăn. Và vài năm trở lại đây, chúng bỗng trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng vừa chữa bệnh vừa làm rau ăn".
Giảo cổ lam được đưa về trồng thành công tại vườn |
Theo chị Như Loan, do thị trường có nhiều khách hàng ưa chuộng giảo cổ lam, nên người dân ở Hòa Bình (quê chị Như Loan) đã tranh thủ hái loại rau này về bán. Họ thu hoạch lá và dây leo quanh năm, có thể dùng tươi hoặc dùng khô đều được. Loại giảo cổ lam được ưa chuộng nhất vẫn là loại 5 lá.
"Sau khi được thu hái, họ sẽ đem rau rửa sạch đất cát, chất bẩn, chặt thành đoạn nhỏ và đem phơi khô dưới ánh nắng lớn. Nhiều nơi còn sao vàng để dược liệu dậy mùi thơm hơn và bảo quản được lâu hơn.
Chế biến xong họ đóng cẩn thận vào túi kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nước, tránh mối mọt. Ngoài ra, nhiều nơi còn thu hoạch rau để bào chế bột thuốc hoặc dùng để làm nguyên liệu trong các loại thuốc Tây, thực phẩm chức năng", chị Như Loan cho hay.
Cũng theo chị Như Loan, một số người ở quê chị còn vào núi hái ngọn và lá non về bán trên mạng xã hội. Và chỉ sau vài phút đăng tải, họ đã bán hết vài cân rau với giá không hề rẻ.
"Hiện nay, trên thị trường, giảo cổ lam có giá từ khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/kg sấy khô; 100.000 đồng/kg rau giảo cổ lam,… Đắt đỏ là vậy nhưng người thành phố vẫn dám chi để được thưởng thức món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng này", người phụ nữ Hòa Bình nói.
Hiện nay, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang đã quy hoạch vùng trồng rau đặc sản, trong đó có giảo cổ lam. Loại cây này thí điểm trồng ở một số hộ dân của xã Hồng Quang, sau đó phát triển sang các xã Lăng Can, Xuân Lập, Thổ Bình, Bình An… Tổng diện tích giảo cổ lam toàn huyện khoảng 5ha, sản lượng từ 7-8 tấn/năm.
Tại các phiên chợ vùng cao và ngay ở thành phố Tuyên Quang, giảo cổ lam được bày bán phổ biến. Không chỉ ở các cơ sở homestay mà một số nhà hàng, khách sạn trong tỉnh đã đưa các món ngon từ giảo cổ lam vào thực đơn. Bởi thế, nếu muốn thay đổi khẩu vị cho bữa ăn, thì giảo cổ lam là một lựa chọn thú vị. Vị đắng ngọt, thanh mát từ món rau đặc sản này chắc chắn khiến thực khách lưu luyến mãi.
Các món ăn được chế biến từ rau giảo cổ lam
Giảo cổ lam xào tỏi có vị hơi nhặng nhặng đắng, cộng thêm vị ngọt đầu lưỡi khiến bạn nhớ vị này mãi. Bạn chỉ xào đơn giản như món rau xào binhg thường. Rất dễ ăn mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Giảo cổ lam xào tỏi |
Món canh trứng giảo cổ lam có cách chế biến đơn giản nhưng hương vị vô cùng đặc biệt. Chỉ cần nấu sôi nước lên cho lá giảo cổ lam vào, sau đó đánh thêm 1 quả trứng. Vị ngọt thanh của giảo cổ lam kết hợp với vị thơm, quyện béo của trứng sẽ tạo nên một món canh rất dễ đưa cơm.
Từ xa xưa, giảo cổ lam đã được ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú” quyển hạ năm 1639 của Trung Quốc và được các vua chúa Trung Quốc sử dụng để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, làm đẹp. Đặc biệt, hoàng đế Tần Thủy Hoàng ưu ái loài cây này tới mức sử dụng nó hàng ngày và đặt tên là “Trường sinh thảo”. Đến năm 1976, khi nghiên cứu một bộ lạc có tuổi thọ bình quân là 98 sống trên vùng núi cao, người Nhật Bản đã tình cờ phát hiện ra người dân nơi đây đã dùng Giảo cổ lam chế biến thành trà uống hàng ngày, để tăng cường sức khỏe. Người dân Nhật gọi giảo cổ lam là Phúc âm thảo. Năm 1997, lần đầu tiên, GS. Phạm Thanh Kỳ cùng các cộng sự đã phát hiện một quần thể Giảo cổ lam mọc tự nhiên trên núi Fansipan (Lào Cai) ở độ cao 1500m. Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đã ghi nhận tác dụng của giảo cổ lam: giảo cổ lam chứa hơn 100 hoạt chất saponin có cấu trúc tương tự nhóm dammaran trong nhân sâm. Những hoạt chất này có tác dụng giúp giảm cholesterol toàn phần, giảm triglycerid, ngăn ngừa hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch, ổn định đường huyết và huyết áp… |